Tiếp theo bài viết Bước đầu để trở thành một blogger du lịch bụi thành công, cách tạo và quản lý một website cho blog du lịch bụi, bài viết này sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về việc phát triển blog và từng bước để kiếm tiền từ nó. Trước khi nghĩ đến việc tạo ra thu nhập từ blog du lịch bụi của bạn, hãy tạo ra giá trị cốt lõi cho blog trước.
Cân nhắc về nội dung xuyên suốt của blog – website
Hiện nay ngay cả trên thế giới, blogger về du lịch bụi (travel blogger) thường đi theo hai hướng chính:
Chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm về chuyến đi, địa điểm du lịch
Đây là cách mà phần lớn các website hoặc blogger về du lịch ở Việt Nam đang tiến hành. Thường thì với một blogger anh ta sẽ đi đến một địa điểm nào đó, khi về anh ta sẽ viết chia sẻ về kinh nghiệm từ khi chuẩn bị, tìm và đặt phòng khách sạn, các địa điểm tham quan và vui chơi,… kèm theo là ảnh chụp thực tế tại nơi đó. Bên cạnh đó cũng có thể là những kinh nghiệm nhỏ nào đó ví dụ như làm thế nào để đi địa điểm ABC chỉ với XYX triệu đồng, những địa điểm đẹp nhất để chụp hình ở Sapa, các sắp đồ đi du lịch, v..v..
Với những bài viết theo hướng này cùng nhiều ảnh đẹp đi kèm thì thông thường ban đầu sẽ thu hút được khá nhiều bạn đọc, lượng traffic (truy cập) tương đối ổn, hơn nữa những thông tin được chia sẻ không quá phải mang tính thời sự vì có thể thông tin cũ nhưng vẫn có giá trị. Người viết bài dạng này không cần phải có quá nhiều kỹ thuật và khả năng văn chương, vì vậy bài viết cũng không chứa đựng nhiều phẩm chất cũng như tính cách của tác giả trong đó. Nội dung như vậy phù hợp với những website về tin tức, tạp chí, khi mà đầu tư ban đầu tốt sẽ có lượng traffic tốt, bài mới có nhiều người đọc và từ đó có hy vọng đặt các quảng cáo trên trang.
Tuy vậy thì một website chỉ đi theo hướng đó thì thường sẽ có nhiều người tìm kiếm thông tin, nhưng họ sẽ rời đi nhanh chóng mà ít khi quay lại vì có rất nhiều website trên mạng chia sẻ cùng một thông tin giống nhau. Nhưng các bạn yên tâm bởi hiện giờ người dân vẫn luôn luôn “đói thông tin” và đất sống cho xu hướng đó vẫn còn rất nhiều.
Viết nhật ký hành trình, ký sự và cảm nhận về chuyến đi
Đây là cách mà các Travel Blogger của nước ngoài đi theo khá nhiều, họ đi và thường viết ký sự, kể về những câu chuyện thú vị mà họ bắt gặp trên đường. Những bài viết như vậy luôn chứa đựng tâm tư, cảm nghĩ và tính cách của người viết, và sẽ tạo cảm hứng rất nhiều cho người đọc để kéo họ ở lại lâu hơn cũng như đảm bảo tạo ra được một lượng khách hàng (độc giả) thường xuyên.
Tuy vậy thì những bài viết theo hướng đó lại phải đầu tư về câu chữ, kỹ thuật và văn phong nhiều hơn, nội dung sẽ không phong phú bằng hướng đầu tiên và nếu Blogger đó không đi du lịch nữa thì cũng hết thông tin để viết luôn. Muốn ra tiền thì bạn phải có nhiều độc giả, chắc chắn rồi, việc kén người đọc cũng như thiếu sự đa dạng về nội dung cũng có thể làm cho blogger không có nhiều cơ hội để tạo ra thu nhập.
Chính vì ưu nhược điểm của hai cách viết blog trên mà hiện nay khá nhiều blogger đã kết hợp cả hai cách lại, tức là vừa viết ký sự vừa viết chia sẻ kinh nghiệm, hoặc lồng vào trong cùng một bài viết. Để có được một trang blog có nhiều nội dung cũng như có một cái gì đó mang “chất cá nhân” và khác biệt, bạn cần cân nhắc hướng nhất quán để theo đuổi xuyên suốt quãng đường mình sẽ đi.
Phát triển blog và thu hút người đọc
Viết về những gì mình thực sự am hiểu và đam mê
Hiển nhiên rồi, viết là một công việc không dễ dàng gì với đại đa số những tay ngang chưa viết nhiều bao giờ. Bạn đừng nghĩ rằng mình không biết viết, mình không có khiếu viết, chẳng ai mà có cái gì không làm được cả. Hãy kiên nhẫn, viết nhiều, đọc nhiều, rồi sẽ quen, ban đầu viết chưa hay nhưng rèn giũa, chau chuốt nhiều rồi cũng sẽ hay. Điều quan trọng nhất là bạn phải có sự đam mê, thích viết và thích chia sẻ. Hãy viết tất cả về những gì bạn thích, và bạn thực sự am hiểu, điều đó luôn dễ dàng hơn việc viết về một chủ đề mà bạn không thực sự biết về nó.
Người đọc là tiên quyết, kiếm tiền để sau
Việc tạo dựng một lượng người đọc thường xuyên và lâu dài là điều quan trọng nhất quyết định website của bạn có thành công hay không. Cũng giống như khách hàng trung thành trong kinh doanh, độc giả chính là khách hàng của bạn, hãy chăm sóc họ chu đáo và tạo ra lợi ích cho họ từ những thông tin chia sẻ của mình, bạn sẽ có cơ hội.
Thông thường thì thời gian khởi đầu sẽ khó khăn và lúc đó sẽ chưa ai biết đến bạn. Đừng quá nôn nóng chuyện kiếm ra tiền từ blog bởi bạn chưa có nhiều khách hàng, tiền có thể kiếm ra nhưng rất ít và không đáng kể, hãy đầu tư thời gian để tạo dựng một chỗ đứng vững chắc trước. Đừng đặt câu hỏi “làm thế nào để kiếm tiền từ blog” mà nên thay nó bằng “làm thế nào để tạo dựng được một lực lượng độc giả cho riêng mình”.
Tạo ra một thương hiệu và mang lại giá trị thực sự cho người đọc
Vậy để làm thế nào để lôi kéo người đọc và xa hơn là giữ họ quay lại với mình? Cách tốt nhất và lâu bền nhất là tạo ra một giá trị thực sự cho người đọc. Người đọc sẽ khó có thể hứng thú với những bài chia sẻ của một người đi du lịch mà chỉ đến đó dạo phố và ở vài ba ngày rồi về, những kinh nghiệm về một địa điểm nào đó chung chung bởi có nhan nhản những điều tương tự trên mạng. Bạn sẽ bị lẫn vào giữa đám đông đó và tất nhiên độc giả sẽ rất khó để phân biệt và nhớ đến bạn.
Người đọc muốn chúng ta chia sẻ như những người bản địa và am hiểu mọi thứ ở đó, vì vậy hãy khoanh vùng những gì mà mình am hiểu, cung cấp những thông tin hữu ích cho người đọc, vì họ chỉ tin tưởng những người mà thực sự biết rõ về vấn đề đó nhất. Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu xem người đọc thực sự muốn gì, những thông tin mà có thể gọi là giá trị, độc mà nhiều người tìm kiếm để nghiên cứu và viết về nó.
Bạn vừa muốn viết những điều mình thích, mình nắm vững mà lại muốn những điều mình viết ra thú vị, độc đáo với người đọc, vậy thì bạn cần phải trải nghiệm thực tế về những việc đó. Những thông tin có thể chỉ ra như ở nơi bạn đi du lịch thì đâu là khách sạn rẻ mà đẹp nhất, khách sạn nào tồi cần tránh, những địa điểm đẹp mà bạn đã từng đi mà ít ai biết, hay cách để tìm mua một thứ gì đó lạ mà hay để chỉ cho mọi người. Ngoài ra bạn cũng nên tham gia nhiều hoạt động văn hoá của người bản địa hoặc những hoạt động thể thao thú vị, ví dụ như ở Couchsurfing với người bản địa, hay đua thuyền, lướt sóng, lặn biển ở những vùng biển đẹp,..v..v rồi chia sẻ cảm nhận bản thân về hoạt động đó, những thông tin như vậy chắc chắn sẽ tạo nhiều cảm hứng cho người đọc.
Một điều nữa cần chú ý là tuyệt đối không đi copy bài của người khác, việc này chỉ làm bạn tốn thời gian và tốn tiền thuê hosting. Khi copy bài thì bạn đã tự mình đánh mất một lượng người đọc thường xuyên, tức là những người đến với website của bạn, nhận được những giá trị bổ ích và sẽ quay trở lại vào những lần sau, chỉ những người như vậy mới chấp nhận mua quảng cáo trên blog của bạn. Không tạo ra được phong cách của riêng mình thì blog của bạn sẽ sớm bị quên lãng và thiếu định hướng phát triển, chưa kể dính vào pháp lý và tranh chấp không đáng có bởi bạn đang sống dựa trên mồ hôi công sức của người khác.
Quảng bá website/blog
Có rất nhiều phương pháp để PR cho blog của bạn, sau đây là những cách chủ yếu:
Tối ưu hoá SEO
SEO (Search Engine Optimization) là thuật ngữ chỉ các bước bạn cần tiến hành để website nâng thứ hạng ở các bộ máy tìm kiếm như Google, Bing, Yahoo,…mà chủ yếu ở đây là Google. Website bạn càng có thứ hạng cao thì cơ hội được ghé thăm càng lớn.
Đây là một chuỗi gồm rất nhiều các công việc khác nhau mà bạn phải thực hiện như tạo một sơ đồ website (sitemap) gửi lên Google, dùng plugin tối ưu hoá SEO cho website như Yoast SEO WordPress, viết bài chuẩn SEO. Ngoài ra bạn cần phải đặt backlink ở các website có thứ hạng cao khác để người dùng biết và trỏ về bài viết trong website của bạn, tiến hành bằng cách viết bài và đặt link ở website của blogger khác (guest blogger), viết bài cho các diễn đàn lớn,..v.v. SEO là một lĩnh vực rộng lớn nhưng đừng ngại tìm hiểu bởi nó vô cùng bức thiết nếu bạn muốn website của mình xuất hiện trên đầu của những cỗ máy tìm kiếm.
Bước đầu khi viết bài các bạn nên tham khảo hướng dẫn chi tiết về cách viết bài chuẩn SEO tại đây.
Phát triển mạng xã hội
Tạo các mạng xã hội để quảng bá cho website là việc không thể không làm vì tốc độ chia sẻ và lan truyền của kênh thông tin này là vô cùng khủng khiếp. Hãy lập ngay một tài khoản Facebook hay Google Plus cho website của bạn. Facebook thì khỏi phải giới thiệu vì bạn dễ dàng nhận thấy hàng ngày có vô vàn các lượt chia sẻ những chuyến đi thú vị của các bạn trẻ, những tiếng trầm trồ và ham muốn. Còn Google Plus là một mạng xã hội của ông lớn Google nên khá được ưu ái dù vẫn còn ít người dùng, nhưng hiện giờ trong danh sách kết quả tìm kiếm Google đã để lại 1-2 bài có nguồn từ MXH này nếu bài viết đó có +1 hay follow. Ngoài ra bạn cũng có thể mở thêm các tài khoản ở các mạng xã hội khác như Instagram, Pinterest hay Twitter.
Tạo dựng một danh sách email theo dõi
Một điều dễ thấy là thường website nào cũng có những phần để độc giả đăng ký theo dõi các bài viết, đó là kênh thông tin quan trọng giúp chúng ta kết nối với độc giả thường xuyên và lâu dài. Hãy kêu gọi độc giả để lại email, tập hợp và thi thoảng gửi những cập nhật hay thông tin được coi là có ích cho họ, nhưng tuyệt đối tránh spam mà để cho họ luôn cảm thấy tự nhiên nhất. Để phát triển email list bạn có thể cài các plugin hỗ trợ cho WordPress như AWeber hay MailChimp.
Ngoài ra còn khá nhiều cách quảng bá khác như bỏ chi phí để quảng cáo, thuê người viết hoặc quản lý, mở workshop chia sẻ kinh nghiệm, v..v..
Các phương thức tạo ra thu nhập từ blog
Đặt quảng cáo (Banner Ads)
Nếu website bạn có thứ hạng cao và lượng truy cập lớn bạn có thể nghĩ đến việc bán quảng cáo cho một bên thứ 3, họ sẽ đặt quảng cáo ở website của bạn và trả tiền theo tháng. Ngoài ra còn hình thức quảng cáo khác rất thịnh hành bây giờ là Google Adsense, tức là bạn đặt banner của Google lên website và Google sẽ trả cho bạn tuỳ vào lượng truy cập vào website và số lượng click của người dùng vào banner đó.
Tất nhiên với những website chưa có nhiều traffic thì chắc chắn chẳng công ty nào muốn đặt quảng cáo ở website của bạn, lúc này bạn cũng không nên đặt banner của Google làm gì bởi lượng tiền bạn nhận được là vô cùng nhỏ không đáng kể, mà lại mất thẩm mỹ của website. Một điều nữa nếu bạn có ý định đặt banner thì nên khéo léo một chút để tránh bị lộn xộn, chẳng ai thích đọc bài viết nào mà quảng cáo cứ chình ình trước mặt cả.
Bán hàng/tiếp thị liên kết (Affiliate)
Affiliate là hình thức kiếm tiền kiểu liên kết, tức là bạn sẽ nhận được hoa hồng nếu người đọc nhấn vào link affiliate của bạn đặt cho nhà cung cấp. Ví dụ như tôi giới thiệu hosting Stablehost trên website của mình và dẫn link affiliate đến website bán hàng của Stablehost. Nếu bạn click vào và mua hosting ở đó thì tôi sẽ nhận được hoa hồng của Stablehost, giá trị không nhiều khoảng vài %. Hình thức này sẽ rất hiệu quả nếu như bài viết của bạn tốt, người đọc tin tưởng và làm theo những kinh nghiệm, những sản phẩm mà bạn giới thiệu.
Thông thường tiền hoa hồng được trả cho blogger là khá thấp thậm chí còn không được trả nếu người mua nhấn vào link mà họ lại mua hàng tại thời điểm khác vượt quá một thời gian nhất định mà nhà cung cấp yêu cầu.
Viết bài review hoặc làm guest blogger
Khi blog của bạn đạt được lượng traffic và một sự tin tưởng nhất định, các hãng lớn có thể sẽ đề nghị bạn viết review về sản phẩm của họ trên website của bạn và bạn sẽ được trả tiền từ việc đó. Ngoài ra bạn có thể làm guest blogger (viết bài cho blog của người khác) hoặc viết bài cho một số công ty du lịch để kiếm thêm thu nhập, cát-sê tuỳ thuộc độ nổi tiếng và khả năng viết lách của bạn. Ngoài ra một số công ty du lịch còn đề xuất ý tưởng là họ sẽ đưa bạn đi du lịch miễn phí và bạn sẽ viết bài review cho dịch vụ của họ.
Làm hướng dẫn viên du lịch
Khách du lịch thường rất có hứng thú với những thông tin bổ ích và những địa điểm vui chơi, ăn uống độc ở địa phương mà họ định đến. Vì vậy khi họ biết đến bạn và tin tưởng bạn, họ có thể sẽ nhờ bạn làm hướng dẫn viên du lịch cho họ và sẽ trả thù lao. Hình thức có thể là bạn đi cùng họ, tham gia trực tiếp vào hành trình kiểu như du lịch bụi mà không theo một tour hay công ty nào cả, họ sẽ bao toàn bộ chi phí đi lại ăn ở và còn tips thêm cho bạn. Đây là hình thức khá thú vị bởi lịch trình bạn tự do sáng tạo và quản lý được, lại còn miễn phí và thêm thu nhập nữa.
Viết và bán sách hoặc các sản phẩm số (digital product)
Khá nhiều Traveller đã xuất bản sách của riêng mình sau nhiều năm đi du lịch khắp nơi, kể về những trải nghiệm và ký sự chuyến đi của họ. Nếu bạn nổi tiếng thì việc bán sách là khả quan và mang lại lợi nhuận lâu dài. Ngoài ra bạn có thể sản xuất ra các sản phẩm số để bán như:
- Các khoá đào tạo qua mạng, video, audio đào tạo về viết blog, chia sẻ kinh nghiệm và bán nó kiếm thu nhập.
- Dựng clip về du lịch và post nó lên các website lưu trữ video nổi tiếng như Youtube, Vimeo và thu lợi nhuận nếu có người mua hoặc nếu người dùng nhấn vào quảng cáo trên clip của bạn.
- Bán ảnh mà bạn chụp cho các web du lịch, những website chia sẻ ảnh và lưu trữ ảnh như Flickr, 500px, Shutterstock, Getty Image. Mở rộng ra bạn rất có thể phù hợp với một công việc như một nghiếp ảnh gia du lịch bụi thật sự.
- Ngoài xuất bản sách in bạn có thể xuất bản dưới dạng ebook và bán trên Ebay, Apple store, Amazone,…
Diễn giả hoặc đào tạo
Hiện nay ngày càng có nhiều các buổi talk-show nói về các trải nghiệm du lịch, họ sẽ mời bạn đến chia sẻ và trả thù lao cho bạn. Thường những người được chọn là khá nổi tiếng trong giới Travel blogger hay Du lịch bụi, và bạn cần có thêm chút kỹ năng về diễn giả để thu hút người nghe và từ đó kiếm được nhiều show về sau. Ngoài ra bạn có thể tự mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm về du lịch, kinh nghiệm trở thành travel blogger thành công,..
Lời kết
Để trở thành một Travel blogger thành công là một việc .. cực cực khó, đặc biệt là khi bạn chỉ làm việc đó một mình. Với những người thiếu kiên nhẫn sẽ nhanh chóng thất vọng bỏ cuộc ngay từ năm đầu tiên vì công sức bỏ ra cũng nhiều mà tiền thì chẳng thấy đâu, thường những blogger thành công khi họ kiên trì hoạt động và phát triển trong nhiều năm. Nếu bạn thực sự say mê du lịch, say mê viết lách, thành công sẽ đến với bạn, và hy vọng rằng những chia sẻ trên giúp ích cho bạn được phần nào.
Mình có thể viết bài cộng tác chất lượng từ 2000 từ tự viết 100% và đặt 1 backlink được không ?
Bạn vui lòng inbox trên fanpage hoặc gửi email đến anle@travelpx.net để có thể trao đổi cụ thể hơn nhé. Cảm ơn bạn.
Mình cũng thích đi du lịch và viết chia sẻ tuy nhiên chưa có đủ kinh phí nên chưa thể thực hiện đươc
Rất ngưỡng mộ những người đi du lịch và viết lại review cho những người đi sau. Đây cũng là một công việc có thể mang lại thu nhập cao cho người viết.
Cảm ơn bài viết của bạn.
Voyagiste Vietnam
https://asiaplusvoyages.com/
Cám ơn bài viết của bạn.
Mình xin chia sẻ thêm một thực tế là blogger Việt Nam chúng ta viết bằng tiếng Việt, đã là một sự hạn chế lượt đọc so với các blogger viết tiếng Anh, Trung, Tây Ban Nha… là ngôn ngữ nhiều người dùng trên thế giới. Tiền VNĐ lại có giá trị thấp, nên hầu như mọi người đều làm 2 3 jobs, viết blog để bù phần nào chi phí du lịch chứ khó mà cover hết và có lời như các travel blogger fulltime nước ngoài.
Vì vậy ai vừa đi du lịch vừa viết blog và tạo được thu nhập đủ để đi tiếp vài chuyến Âu Mỹ… thì thật sự đáng nể. Mình cũng viết blog chia sẻ kinh nghiệm du lịch nhưng làm được việc đó 😀
Đúng như bạn nói, viết blog bằng tiếng Việt ở VN thực ra chỉ để.. cho vui :D, quá nhiều khó khăn, chưa kể tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan. Nhưng blog cũng là một công cụ rất tốt để quảng bá thương hiệu cá nhận, để các bạn blogger kiếm nhiều tiền thông qua những phương thức khác như ra sách hay có cơ hội vừa đi du lịch làm cho các bên OTA.
Ôi ở trên mình định ghi là “mình cũng viết blog du lịch nhưng CHƯA làm được việc đó” mà đọc lại thấy thiếu chữ quan trọng nhất. Ngại quá 🙂
Vụ bản quyền thì khỏi nói, bị xào bài từa lưa, mình đề nghị xoá thì còn bị cộng tác viên Vnexpress nói việc follow travel blogger rồi xào bài là bình thường, không có gì phải khó chịu 🙁
Đọc bài này xong…. Tôi nhất định sẽ viết bog
mình thì rất muốn viết blog nhưng kiến thức có hạn mà k biết làm sao
thanks bài viết của bạn
Cám ơn bài viết của bạn,
Mình nghĩ blog là một nền tảng, cũng như là một “bộ mặt” để quảng bá về tính cách cá nhân và khả năng của chủ nhân một blog. Sau có “kiếm thêm” bằng nhiều hình thức mở rộng khác.
Còn ai có khả năng nữa thì làm blog bằng tiếng Anh, sẽ tăng thu nhập nhiều hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn nữa!