Bali quả là một hòn đảo với rất nhiều ý kiến trái chiều. Với những người thích hòn đảo này, thường họ sẽ PR cho Bali rất mạnh mẽ. Nhưng ngược lại, có những người kỳ vọng quá nhiều vào nó, vì chưa đi lần nào mà lại luôn nghe về một thuật ngữ “thiên đường xứ đảo Bali” mà, nên kỳ vọng là điều không tránh khỏi. Rồi họ còn so sánh Bali với Maldives, để rồi có đôi chút thất vọng khi nó không đẹp như trong mộng tưởng.
Nhưng với những ai đã từng đến Bali, từng cảm được cái văn hoá, cái đẹp rất riêng của hòn đảo này, hẳn là họ sẽ nhớ và muốn quay trở lại nhiều lần nữa. So sánh với Maldives ư, vẻ đẹp của Maldives là vẻ đẹp của thiên đường, một vẻ đẹp trong veo không tì vết. Còn vẻ đẹp của Bali là vẻ đẹp của nền văn hoá riêng biệt, của một điều gì đó vô cùng đời thường, và cả những bãi biển đẹp như mơ. Thật khó để so sánh giữa Bali và Maldives, bởi tôi đến Maldives là để nghỉ dưỡng, còn Bali, tôi đến để tìm hiểu thiên nhiên, con người và thứ văn hoá mang đậm hơi hướng tâm linh này.
Trước khi đến Bali, tôi khuyên các bạn nên xem trước bộ phim “Eat, pray & love” của Julia Roberts, để khỏi thốt lên sau khi về mà trước đó xem phim rằng “Trời ơi, mình đã bỏ lỡ quá nhiều ở Bali”. Tôi đi Bali như đi bao địa điểm du lịch khác, nhưng khi xem bộ phim này tôi mới hiểu Bali không đơn thuần chỉ là một hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia, mà nó còn là sự giao thoa của niềm hạnh phúc, sự tận hưởng, tôn giáo và văn hoá. Ở đó có một nền nghệ thuật vô cùng phát triển bao gồm điêu khắc, hội hoạ, hàng da thuộc, luyện kim và âm nhạc. Người Indo theo đạo Hồi, nhưng ở Bali, 93% dân số lại theo đạo Hindu. Người dân Bali luôn coi Bali là trung tâm của vũ trụ, vì vậy khi đến Bali, bạn hãy tìm một nơi mà bạn coi đó là trung tâm của Bali, có nghĩa là bạn đã ở trung tâm của vũ trụ bao la này rồi.
Đến Bali là để tìm kiếm niềm hạnh phúc mà tôi chưa tìm thấy, một niềm hạnh phúc rất khác biệt so với những nơi tôi đã từng trải qua. Người Bali hiểu rằng, để có được niềm hạnh phúc, bạn cần phải luôn biết được mình đang ở đâu. Đó chính là nơi có sự cân bằng hoàn hảo, ngay tại nơi giao thoa giữa trời và đất, không có quá nhiều sự ích kỷ. Nếu không, cuộc sống sẽ thật điên rồ. Hãy ngồi thiền như người Ấn Độ vào mỗi buổi sáng, và sau đó, hãy tận hưởng Bali theo cách của bạn.
Một số kinh nghiệm cho sự chuẩn bị trước khi đi Bali:
Nên đi Bali bao nhiêu ngày là đủ?
Câu trả lời còn tuỳ thuộc vào điều kiện về thời gian, tiền bạc của mỗi người. Tuy vậy với một hòn đảo lớn và có quá nhiều thứ khám phá như Bali thì chỉ riêng việc đi đến các điểm tham quan nổi tiếng và check-in thôi thì bạn cũng phải dành ít nhất tầm 4-5 ngày (không kể thời gian bay) rồi. Còn để tận hưởng, cảm nhận và sống cùng văn hoá Bali thì bạn nên ở ít nhất tầm 1-3 tháng. Tôi nghĩ rằng một lịch trình thích hợp là bạn nên dành 1 tuần để trọn tình yêu với Bali.
Tiền tệ ở Bali
Ở Bali người ta sử dụng đồng Rupiah Indonesia (viết tắt là IDR). Nếu bạn mua IDR ở những điểm bán ngoại tệ ở Việt Nam như Hà Trung hay Bùi Viện tỷ giá sẽ rất cao, ví dụ như tôi hỏi mua IDR ở một cửa hàng ở Hà Trung họ lấy 1IDR=1VND, quá là cao. Vì vậy tôi nghĩ bạn nên đổi ra USD trước để sang Bali đổi lấy IDR sau, hoặc tìm được mối mua IDR từ bạn bè đã từng đi Indonesia rồi thì tốt nhất. Ở Bali bạn sẽ chẳng phải lo đến việc tìm địa điểm đổi tiền ở đâu, bởi khu vực nào có khách du lịch là nơi đó có điểm đổi tiền, hoặc ngay sân bay cũng có quầy đổi mặc dù tỷ giá cao hơn một chút.
Tỷ giá đổi từ USD sang IDR ở các quầy đổi ở Bali xoay quanh từ 12600-13000 IDR lấy một đồng USD. Tôi có đổi một ít ở sân bay để đi taxi về thành phố với tỷ giá là 12600, vào trung tâm thành phố thì tỷ giá loạn hết cả lên. Những vùng xa xôi thì tỷ giá kém hấp dẫn nhất, còn vào khu Ubud thì nhiều nơi tỷ giá rất tốt, toàn xoay quanh tầm 12900-13000 thôi. Nếu đến khi về rồi mà vẫn còn tiền thừa thì bạn không nên đổi lại ở sân bay (hội ngân hàng này ăn lãi quá trời luôn) mà cầm luôn về nhà mang ra Hà Trung đổi, tôi đổi được tỷ giá 1IDR = 1.8 VND đấy, tính ra còn lãi nữa cơ.
Một kinh nghiệm khi đổi tiền ở Bali là rất dễ có lừa đảo nếu bạn đổi ở những điểm thiếu tin cậy. Tôi đã từng suýt mất tiền nếu không tỉnh táo. Họ đưa ra tỷ giá hấp dẫn một chút để thu hút mình, khi đổi họ sẽ đưa cho mình toàn là tiền 50,000 IDR, nghĩa là nếu đổi tầm 300$ là bạn sẽ phải mang một cục tiền cực dầy trong ví. Ban đầu họ sẽ đếm từng tệp 1 triệu IDR, sau đó họ đưa cho mình đếm lại, mình đếm xong rồi họ lại lấy lại và giả vờ đếm lại lần nữa. Đây chính là thời điểm họ sẽ tráo hoặc rút một số tờ mà mình không biết, nếu mình không đếm lại tiền và giữ không đưa lại cho họ thì rất có thể số tiền mình mang về sẽ bị hao hụt mà không biết. Tôi đã giằng co khá lâu, tôi cứ đếm xong họ lại lấy lại tiền trên tay tôi và giả vờ đếm lại, nhưng tôi căng lắm, quát lên “Please don’t touch my money!”. Thế là cuối cùng họ cũng phải nhượng bộ và đưa tiền cho tôi đấy, trông hai cu cậu đổi ngoại tệ mặt có vẻ tiu nghỉu vì không bắt được gà.
Trang phục khi vào các khu đền chùa
Cũng giống một số nước theo đạo khác như Myanmar hay Thái Lan, ở Bali họ rất coi trọng tín ngưỡng của mình, điều đó thể hiện qua quy định về trang phục khi vào những ngôi đền linh thiêng. Nhớ luôn thủ sẵn một chiếc Sarong – một mảnh vải hình chữ nhật để quấn quanh phần thân từ thắt lưng trở xuống – khi bạn vào một ngôi đền nào đó ở Bali nhé, tránh cho việc phải thuê hoặc mua ngay tại đền sẽ rất là đắt.
Mua Sim điện thoại ở Bali
Nếu bạn cần gọi Uber hay Grab từ sân bay thì có thể mua sim luôn ở đây, còn nếu không có thể mua ở trong trung tâm cũng được. Sim 4G được bày bán ở hầu hết những cửa hàng tạp hoá hay cửa hàng bán sim nhỏ trên đảo mà bạn rất dễ tìm khi đi trên đường. Nếu ở ngắn ngày bạn có thể mua một chiếc sim trắng và nạp tiền thêm gói 420MB, tổng thiệt hại tầm 42k IDR, ở tầm 1 tuần thì nạp loại 1.3Gb với giá 60k IDR. Nhìn chung là giá khá rẻ so với những nước khác như Thái, Sing, Đài Loan,..
Trả giá – mặc cả – trả giá!!!!
Mọi thứ ở Bali đều nhớ mặc cả nhé, công thức của tôi khi đi chợ là mặc cả xuống còn 1/3 giá họ nói thách. Với những shop nhìn lịch sự thì cũng có trả giá nhưng “nhẹ nhàng” hơn chút, nhưng trong đầu lúc nào cũng ghi khắc hai từ không rời “mặc cả, mặc cả và mặc cả”!!!
Cũng như khá nhiều hòn đảo nhiệt đới khác khí hậu Bali chia làm hai mùa riêng biệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa diễn ra từ tháng 12 đến tháng 4 còn mùa khô từ tháng 5 đến tháng 11. Tôi chọn thời điểm cuối tháng 10 cho chuyến đi của mình và nhận thấy rằng đó là một lựa chọn tuyệt vời, hòn đảo không có quá nhiều khách du lịch đổ dồn về như tầm tháng 7,8 mà thời tiết thì siêu đẹp.
Vì sao tôi đặt tiêu đề cho bài viết này là “cuộc rượt đuổi với thần mặt trời”, đó là vì ở đây thời khắc bình minh hoàng hôn trên đảo quá ư là ngất ngây, nó đẹp mà lại đẹp đều, tức là ngày nào cũng đẹp, cũng có một kiểu đẹp khác nhau. Thế nhưng một hạn chế là hòn đảo quá rộng lớn, mà mỗi khi muốn đi ngắm bình minh, hoàng hôn tôi thường phải đi một quãng đường không hề ngắn cho một địa điểm mới mẻ. Vì vậy tôi luôn phải vừa đi vừa cầu nguyện cho ánh mặt trời ở lâu hơn một chút để mình có thể đến kịp và được tận hưởng lâu hơn…
Bay đến Bali
Hiện tại vẫn chưa có đường bay thẳng nên bạn vẫn phải transit ở một trong các sân bay như Kuala Lumpur, Bangkok hay Singapore. Trong ba sân bay trên thì có vẻ như lựa chọn bay qua Malaysia là hợp lý nhất. Giá vé rẻ thông thường dao động khoảng từ 3-5tr VND. Thường các hãng có một số đợt tung vé rẻ nên bạn sẽ phải lên kế hoạch sớm và đặt vé trước nếu muốn mua được vé rẻ đi Bali.
Ngoài các hãng quen thuộc như Jetstar, VNA, Vietjet hay Airasia, bay đi Bali bạn có thể tham khảo thêm hãng Malindo, hãng này hình như mới chỉ có chiều bay từ Bali về Hà Nội chứ chưa có chiều ngược lại. Giá vé đôi khi cũng khá tốt tầm 2tr/chiều cho một hãng hàng không tốt không phải là giá rẻ. Tuy vậy việc thanh toán với hãng này khá khó chịu vì gặp nhiều khó khăn, có lúc được lúc không. Nếu không thanh toán được bạn có thể ra trực tiếp văn phòng của hãng để họ đặt và trả tiền mặt luôn.
Nếu đi giá rẻ rất có thể bạn sẽ phải đến Bali vào buổi tối muộn, tin vui là ngủ tại sân bay Denpasar (Bali) cũng khá dễ dàng. Trên lầu 2 của sân bay hầu như rất vắng người và bạn có thể dải khăn ra nằm ở đây, an toàn không vấn đề gì. Việc tìm ghế có thể ngủ gần như là không có.
Đi từ sân bay về trung tâm thành phố
Taxi gần như là lựa chọn duy nhất để đi từ sân bay vào thành phố. Nếu đi những khu gần như Nusa Dua hay Kuta còn đỡ, chứ lên tận Ubud thì chết tiền vì đảo Bali rộng lắm. Ngay đến đi một số điểm xung quanh Kuta nếu hỏi taxi mồi chài ngay trong sân bay giá cũng tầm 300-500k IDR rồi. Nhiều người cũng giới thiệu là xe chính hãng Blue Bird màu xanh dương, hãng chạy theo Meter trên đảo, nhưng nói chung là giá vẫn đắt.
Có một mẹo nhỏ để tiết kiệm chi phí là bạn đừng nên đón taxi ở trong khu vực sảnh sân bay mà nên đi bộ ra phía bên ngoài, ở đó sẽ có một số hãng taxi giá rẻ hơn không được dừng đỗ trong sân bay hoặc có một số taxi đưa người lên mà không có khách về. Tôi đã thử cách này và giảm được một nửa so với giá trong sân bay, một mình đi một xe to vật vã luôn.
Một cách khác nữa là bạn có thể gọi Uber hoặc Grab, mặc dù hai hãng này rất bị kỳ thị ở Bali. Để gọi được xe này bạn cần mua sẵn sim điện thoại để có số ở Indo và thực hiện cuộc gọi với lái xe. Thường thì lái xe cũng không vào được bên trong đâu mà họ sẽ hẹn bạn ở một điểm nào đó bên ngoài sân bay, nếu bạn có bạn bè nào là người Indo đi cùng thì là tốt nhất, họ sẽ hỗ trợ bạn dễ dàng hơn.
Đi lại ở Bali
Với một kẻ hay đi từ 1-2 người và ít khi đi theo nhóm đông người như tôi thì xe máy luôn là lựa chọn tối ưu cho việc đi lại trên đảo. Trước khi đi thấy các nhóm đi Bali thường hay thuê xe bao cả ngày (chi phí tầm 500-800k IDR) nhưng điều kiện của tôi không cho phép, mà thực ra tôi vẫn luôn thích tự đi, tự do thoải mái. Mà lên đảo mới thấy đi xe máy sướng thế nào, mát mẻ tận hưởng được khí trời Bali, mà lại còn đông vui nữa chứ vì thấy hội Tây balo họ cũng toàn đi xe máy không ah. Nhất là buổi tối vác con xe ra ngoài chạy đến mấy quán bar là vui tươi lắm, trên đường toàn Tây balo chạy xe máy hàng dài đi bay thôi ^^.
Thuê xe máy ở Bali giá từ 100-150k IDR/ngày khác nhau ở từng khu vực, thường thuê ở khu trung tâm như Ubud sẽ đắt hơn một chút so với những khu xa xa như Kuta hay Nusa Dua. Điều kiện vẫn là đặt cọc tiền hoặc đặt hộ chiếu thôi. Riêng tôi ở khách sạn 808 Residence họ cho mượn xe máy miễn phí luôn, mũ bảo hiểm cũng thuộc loại hịn. Chỉ việc đổ xăng và lên đường khám phá Bali thôi (giá xăng tầm 7.5K IDR/lít).Ngoài ra bạn có thể sử dụng taxi hoặc xe bus đi lại trên đảo. Xe bus tuy giá rẻ nhưng sẽ khá bất tiện về giờ giấc, bạn có thể tham khảo bản đồ các tuyến xe bus và giờ xe chạy ở đây.
Xem thêm: Review khách sạn 808 Residence tuyệt đẹp ở Bali – Indonesia
Bali là đảo rất rộng, quãng đường từ điểm gần nhất đến xa nhất trên đảo có khi cách nhau đến tần 100 cây số luôn chả khác nào đi từ thành phố về quê. Chính vì thế bạn sẽ cần phải cân nhắc địa điểm mà mình định ở khi du lịch Bali. Có 3 khu chính tập trung nhà nghỉ khách sạn:
Nhìn chung nếu bạn lên lịch trình sẵn cho 7 ngày ở Bali và dự định sẽ đi tham quan gần như toàn bộ những điểm du lịch của đảo thì có thể cân nhắc ở cả 3 khu luôn, mỗi khu ở tầm 2-3 đêm. Việc lựa chọn như vậy sẽ giúp bạn có lịch trình tham quan tập trung, đi lại đơn giản không quá xa mà lại trải nghiệm được cuộc sống ở nhiều nơi trên đảo. Về đặt phòng thì tôi luôn bỏ túi 3 website quan trọng là Booking.com, Agoda và Airbnb (chuyên tìm phòng căn hộ Apartment đẹp).
Mời bạn đọc thêm bài về đặt phòng qua Airbnb để du lịch miễn phí.
Tôi thì đề xuất khách sạn 808 Residence, giá khá ổn cho một khuôn viên trong lành mát mẻ với dãy căn hộ tiêu chuẩn, có bể bơi ngoài trời, chất lượng phục vụ rất tốt. Điểm cộng nữa là họ còn cho mượn xe máy miễn phí suốt thời gian nghỉ ở khách sạn nữa chứ, chính tôi cũng bất ngờ vì điều này. Khách sạn này chia làm nhiều khu với giá cả khác nhau, phòng rẻ nhất tầm 45$/đêm. Buổi chiều chỉ đi bộ ba bước chân là đến bãi biển rồi. Một số tấm hình về 808 Residence:
Các món ăn truyền thống ở Bali theo đúng vị của người theo đạo Hindu và đạo Hồi, tức là vị cà ri đặc trưng. Trước đây tôi khá khó ăn với những món có vị này nhưng ăn nhiều thành quen và lại thấy ngon. Một điểm nữa là người Bali họ rất coi trọng món rau trong bữa ăn của mình bởi họ nghĩ rau là thực phẩm tốt nhất cho sức khoẻ và đường tiêu hoá của mỗi người. Một quán chuyên đồ salad cực ngon và bài trí đẹp nằm ngay đối diện của 808 Residence, khỏi lo chạy xa tìm đồ ăn nếu bạn ở khách sạn này nhé.
Vì là hòn đảo du lịch nên bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ ẩm thực nào ở Bali, từ những món cơm truyền thống của người Bali, hay những món ăn nhanh và đồ châu Âu, hải sản. Thường thì với những quán ăn nhỏ giá cho một bữa tầm 100-200k VND, nhưng nếu vào những nhà hàng sang trọng hơn một chút thì giá cao hơn, từ 300-400k hoặc ăn ngon no đẫy đà hải sản thì phải tầm 500-700k/người.
Ẩm thực về Bali và review các quán ăn ở Bali mời bạn đọc thêm ở bài viết này: Ăn gì ở Bali? Top 4 nhà hàng quán ăn ngon phải thử ở Bali.
Bản đồ các điểm tham quan, ăn uống, quán ngon ở Bali:
Nếu đặt khách sạn ở khu này bạn có thể lên lịch trình tham quan các điểm xung quanh khu trung tâm Ubud cũng như những ngôi đền linh thiêng phía Bắc của đảo. Lịch trình hợp lý là một ngày bạn tham quan hết những điểm xung quanh Ubud Town gồm chợ Ubud và đền nước Ulun Danu; một ngày đi thăm đềnđền Monkey Forest, Lotus Temple gần Ubud, thăm Pura Tirta Empul, Pura Gunung Kawi, Ruộng bậc thang Tegalalang; một ngày thăm núi lửa Batur và đền Pura Besakih.
Chợ trung tâm Ubud – Ubud Market
Đây là khu chợ lớn nhất ở Ubud với rất nhiều hàng hoá đủ các thể loại được bày bán, đồ ăn thức uống. Ở đây tôi mua được khá nhiều thứ hay ho như Sarong mặc đi thăm các đền ở Bali, quần áo, mũ,.. và cả những đồ trang sức rẻ tiền, đồ lưu niệm. Nhớ phải mặc cả ít nhất từ 1/4-1/3 giá nhé, họ ở đây nói thách kinh khủng, đến khi mình mặc cả xuống đến mức thấp nhất có thể mà còn vẫn đắn đo không biết là mình vẫn còn mua hớ hay không nữa. Bên ngoài có bán mít bổ sẵn ăn rất ngon, hét giát 30k IDR mà tôi mặc cả xuống còn 10K họ vẫn bán đấy, cơ mà nhiều mà đáng tiền!
Thực ra thì khu vực quanh Ubud Town có khá nhiều thứ hay ho, bạn có thể thăm các ngôi đền, chợ trung tâm, buổi tối dạo quanh những khu phố, ngõ ngách nhỏ hẹp để khám phá cuộc sống về đêm của nơi này. Ngoài ra thì Ubud Town còn rất nhiều những quán cafe, quán ăn nhìn siêu cool để ghé thăm và thưởng thức nữa.
Đền Monkey Forest và Lotus Temple
Hai đền này nằm ngay Ubud Town nên có thể kết hợp đi trong ngày. Monkey Forest thì đúng như tên gọi, rất nhiều khỉ đủ các thể loại kích cỡ. Khỉ ở Bali trong Monkey Forest hay ở Uluwatu bạn đều phải cảnh giác vì chúng có thể giật đồ bất cứ lúc nào. Trong đền còn có khu khán đài nhìn như Sapa hay Đà Lạt, rồi cả khu Hot Spring, khu đền thờ nữa. Lotus Temple cũng rất đáng để đi với một con đường nhỏ dẫn vào đền, hai bên là ao sen nhìn thật thanh bình.
Ruộng bậc thang Tegalalang Rice Terrace
Khu ruộng bậc thang này nằm ngay đường đi lên núi lửa Batur, dừng chân ở đây và chụp choẹt cũng rất vui. Tất nhiên đây chỉ là một khu ruộng nhỏ trên đảo nhưng được canh tác đẹp mắt, lại nằm trong khu vực du lịch nên được chú ý, chính vì vậy nó không thể so sánh với những khu ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải với những dải núi trùng trùng điệp điệp, những thửa ruộng bao la bát ngát được. Ngoài ruộng lúa thì còn có một vài cây dừa tô điểm cho vẻ đẹp nơi đây, hãy ngồi trong một quán cafe và view ra ruộng lúa, một trải nghiệm cũng đáng giá đấy chứ.
Xem thêm bài: Tổng quan về du lịch bụi Myanmar, kinh nghiệm, chi phí và lịch trình
Đền Pura Tirta Empul và Gunung Kawi
Hai ngôi đền này nằm khá gần nhau, nổi bật hơn cả vẫn là Pura Tirta Empul ngàn năm tuổi với bể nước tắm hình chữ nhật chứa đựng nước tinh khiết lấy từ mạch nước ngầm dưới đáy, chính là nước suối từ trên cao chảy về. Truyền thuyết kể rằng thần Indra đã tạo ra dòng nước thiêng liêng này để chữa bệnh cho người dân sau trận chiến giữa thần Indra và Mayadanawa làm nguồn nước bị nhiễm độc. Người dân Bali tới đây để đắm mình trong dòng nước với mong muốn được chữa bệnh và làm khoan khoái tinh thần.
Để vào đền Pura Tirta Empul hay Gunung Kawi bạn đều phải quấn Sarong quanh người, nhất là Tirta Empul, đó là điều bắt buộc thể hiện sự tôn trọng với thần linh. Vào Tirta Empul thì miễn phí còn vé vào Gunung Kawi là 20,000 IDR. Trải nghiệm không thể bỏ qua là tắm ở Tirta Empul, tuy ban đầu nước hơi lạnh một chút nhưng càng tắm càng phê, cảm giác như được gột rửa mọi thứ nặng trĩu trong lòng vậy!
Pura Besakih
Đây là ngôi đền lớn nhất và linh thiêng nhất Bali hay còn gọi là Đền Mẹ với trên dưới 30 ngôi đền lớn nhỏ nằm trong nó. Đền Besakih nằm ngay ngọn núi lửa Agung, và mọi người dân Bali khi ngủ đều hướng đầu về phía ngọn núi lửa này. Năm 1963 một đợt núi lửa phun trào từ Agung và nham thạch đã làm hàng ngàn người chết, nhưng dòng nham thạch đó đã ngưng chảy khi đến chân của ngôi đền, người dân Bali cho rằng đó là sự bao dung của thần linh.
Mount Batur
Quãng đường lên núi lửa Batur khá xa và thường là bạn cũng chỉ có thể ngắm nhìn Batur từ phía xa vì muốn Trekking ngọn núi lửa này sẽ mất cả ngày trời. Khu vực đứng để ngắm nhìn cũng ngang ngửa với bề mặt núi lửa, vì vậy sẽ phải phóng xe qua nhiều đoạn đường đèo dốc để lên đến đây, khí hậu hơi se se lạnh nhưng rất dễ chịu. Ngoài Mount Batur thì gần đó còn có hồ Danau Batur tuyệt đẹp với phong cảnh hữu tình, hệt như những cảnh sắc thiên nhiên được thấy ở những vùng ôn đới như núi Alishan ở Đài Loan, hay vùng gần Lucerne của Thuỵ Sĩ.
Bãi biển, những quán bar ở Seminyak
Nếu như Ubud là đại diện cho văn hoá Bali và sự linh thiêng, thì Kuta và Seminyak lại là tụ điểm ăn chơi với rất nhiều những quán bar, nhà hàng và bãi biển đẹp. Bạn có thể nghỉ ở một khách sạn hay căn hộ gần bãi biển, ban ngày lượn lờ phố xá, những shop quần áo và đồ lưu niệm siêu cool, chiều chiều chạy xe ra bãi biển và tối thì tụ tập các quán bar, thưởng thức những món ngon ở Bali. Đây đúng là khu dành cho dân yêu thích chỉ biển và party.
Đền Tanah Lot
Bạn nên đến khu đền này trước giờ trưa vì thời điểm sau đó thuỷ triều lên và sẽ không đi bộ được ra ngôi đền giữa biển nữa. Giá vé vào cửa là 30,000IDR, khuôn viên trong này khá rộng có thể đi cả buổi thăm thú. Nhìn thích nhất là đứng ở trên những vách đá cao và nhìn xuống những đợt sóng ào ạt vỗ bờ, nhìn mới hiểu tại sao dân Tây Balo thích lướt sóng ở Bali đến vậy. Nếu bạn ở khách sạn gần bãi biển khu Kuta thì khoảng cách đi lại đến Tanah Lot cũng không phải là quá xa.
Nusa Dua
Đây là khu vực tập trung của hầu hết những resort, khách sạn sang trọng của Bali. Có một con đường chính dẫn vào Nusa Dua và trên đường đó sẽ có cổng của cả khu resort nằm trong đó. Bạn có thể chạy xe thoải mái, nếu không ở trong resort nào thì khi đến đây cứ nói với bảo vệ đầu con đường rằng tôi đến đây để tắm biển là họ cho vào. Con đường sẽ dẫn tới một bãi biển công cộng khá đẹp và nhộn nhịp. Tất nhiên là những bãi biển đẹp nhất thì hội resort hịn họ quây lại riêng cho họ hết rồi. Hình như là những nhà hàng ven biển của resort họ cũng chỉ phục vụ cho khách nghỉ ở resort hay sao ý.
Rock Bar và bãi biển phía Tây Bali
Được bầu chọn là một trong 10 Bar ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới với những bãi đá và những con sóng đánh vô bờ cát nhìn thật tuyệt vời. Để đến Rock Bar bạn đi ngược lại hướng của Nusa Dua, đường hầu hết là cao tốc và đường phố nên rất dễ đi. Nếu không muốn vào Bar bạn có thể men theo con đường đi qua AYANA Resort and Spa BALI – khu resort chủ quản của Rock Bar – để đi tiếp ra bãi biển. Đến đây bạn sẽ được đứng trên mỏn múi nhìn thẳng ra bãi biển, xa xa là Rock Bar và ngắm hoàng hôn ở đây thì chuẩn không cần chỉnh luôn ^^!
Bãi biển Blue Point Beach
Đây là một bãi tắm và lướt ván nổi tiếng ở gần Uluwatu cùng những vách đá hai bên. Con đường đi ra bãi biển mà tôi cảm giác như đi qua một khu hang động lớn và bước ra đến cửa thiên đường vậy.
Đền Uluwatu
Đền Uluwatu nằm ở điểm tận cùng của phía Tây Nam đảo Bali, vì vậy đường đi ra đây cũng xa xôi cách trở lắm. Vé vào cửa đền là 30,000 IDR, mua vé và tiến vào khu vực vách đá dựng đứng cao đến gần 100m so với mặt biển. Tôi đến đây khi trời đã gần vào hoàng hôn, chạy xe mệt bở hơi tai và vội vã sợ thần mặt trời biến mất mà khi đến lại chỉ tập trung vào việc chụp ảnh hoàng hôn nên không kịp đi thăm thú nhiều. Nhưng bức ảnh chụp được thì quả là giá trị!
Bali là một số ít những nơi tôi muốn quay trở lại, muốn sống, khi cảm thấy mình đã trưởng thành. Ước mơ của mình cũng giản dị như Elizabeth Gilbert , có một căn hộ nhỏ giữa những ruộng bậc thang xanh mướt với không gian làm việc thoải mái, buổi sáng đạp xe trên những con đường rợp bóng cây, buổi chiều tắm mình trên những bãi biển tuyệt đẹp và tận hưởng hương sắc mây trời Bali! Một điều mang đậm ý kiến cá nhân của tôi khi trải nghiệm Bali là, nếu bạn đến Bali, xin đừng thuê một chiếc xe ô tô chở bạn đi cả ngày, đưa bạn đến điểm du lịch và lại đón bạn về. Hãy đi xe máy, vậy thôi ^_^!
Bạn ơi, không biết bạn đi Bali từ lúc nào bạn nhỉ
Mình đi từ tháng 11 năm ngoái bạn ah 🙂 Mong bạn ghé thăm blog thường xuyên.
Bạn đi được nhiều nơi nhỉ 😀 không biết bạn đi đầu hay cuối tháng 11 và trong khoảng thời gian bạn ở đó có bị mưa bão gì không bạn? Mình đang lên plan đi 1 trong 3 nơi: Boracay, Bali và Santorini, nhưng đều vào tháng 11 thì toàn rơi vào mùa bão, khong biết có đi nổi không.
Boracay khu vực hay mưa bão rùi bạn, còn Bali tháng 11 mình đi trời đều siêu đẹp cả tuần. Santorini thì đó là mùa du lịch thấp điểm, không mấy người đi Santorini vào mùa đông bạn ah vì trời lạnh hơn, các cửa hàng cửa tiệm cũng đóng cửa nhiều.
Chao ban, that nguong mo voi nhung chuyen di cua ban day. Ban co the email cho minh ko? Minh muon hoi kinh nghiem du lich mot chut?
Bạn email cho mình vào địa chỉ: anle@travelpx.net nhé ^^
Bài review chi tiết quá. Thêm 1 vài điểm nữa là nên ở KS ở Ubud 1-2 ngày để cảm nhận đc không gian yên bình nơi đây, khác hẳn vs Kuta náo nhiệt. Có nhiều nhà hàng rất ngon trong khu chợ gần Kuta, nhưng phải đặt trước mới có bàn, hoặc đến phải đợi rất lâu, anw thì rất xứng đáng để đầu tư 1 buổi tối ở trong những nhà hàng đấy. Ngoài ra thì bạn còn có thể trải nghiệm trèo thuyền vượt suối và lướt sóng cho có thêm trải nghiệm, rất đáng thử đó 😀
Đúng rồi bạn ah, bạn nói rất chuẩn, lần tới đến Bali nhất định mình phải thử một resort ở khu Ubud. Mình thấy bị mê hoặc khung cảnh bước ra khỏi villa, hoà mình vào bể bơi trước sảnh và view ra giữa những khu ruộng bậc thang xanh bao la xanh ngắt ở đây!
Mình muốn đi tháng 6 thì nên đi Bali hay Boracay nhỉ?
Anh ơi. Anh có thể cho em xin lịch trình đi của anh được không ạ. Em cảm ơn ạ
🙂 mình đi Bali hay mấy nước ĐNA đi nhiều lần nên không có lịch trình cụ thể đâu bạn ah ^^