Tôi dành Inle cho điểm cuối cùng trong lịch trình dọc chiều dài đất nước Burma, cũng chỉ là một sự tình cờ vì đơn giản Inle Lake là điểm xa nhất trong những điểm mà tôi định đi. Không ngờ rằng, đó thực sự là một địa điểm chuẩn mực dành cho nơi cuối trong cuộc hành trình, một nơi trong lành nhất, thư thái nhất và yên bình nhất mà tôi đã từng đi qua.
Inle không có nhiều điểm lẻ tẻ để đi, mà chỉ có thể coi những điểm cần đi ở đây là những điểm chính, nhưng điểm chính đúng thực sự là điểm chính, ít mà chất. Inle có gì nhỉ? một tour trong ngày quanh hồ Inle, vòng quanh Nyaungshwe để thăm thú cuộc sống người địa phương, thăm tu viện Shwe Yan Bye, hay lên núi thưởng thức rượu vang. Đó thực sự là những điểm xứng đáng bỏ nhiều giờ để trải nghiệm, hay riêng đi tour quanh hồ thì phải mất cả ngày cũng không đi hết được.

Phương tiện đi đến Inle Lake
Phương tiện đơn giản và phổ biến nhất để đi từ các thành phố khác của Myanmar như Yangon, Mandalay đến Inle vẫn là xe bus đường dài, tuy vậy thì ngoài ra có một số cách khác có thể tổng hợp lại ở dưới đây như:
Đi bằng tàu hoả: đây là phương tiện tôi không recommend (khuyên sử dụng) cho lắm vì tàu ở Myanmar khá cổ và chậm, nhất là quãng đường đi từ các thành phố khác đến Inle khá dài. Thường bạn chỉ nên đi tàu hoả nếu là một con người hoài cổ, thích pose những tấm hình về một vẻ đẹp xưa cũ của đất nước này.
Bay đến Inle: cũng là một ý kiến hay, vì thường mỗi ngày có một chuyến bay giữa Yangon và He Ho, sân bay cách Inle Lake tầm 30km. Tuy vậy thì bay ở Myanmar cũng không tiện lợi như các nước phát triển, vì bay như kiểu đi xe bus vậy, có transit khá nhiều chặng mới đến điểm cuối cùng.
Đi bằng bus đường dài: Theo kinh nghiệm đi Myanmar của tôi thì đây là cách tốt nhất để đến Inle, chất lượng bus ở Myanmar cực tốt với các hãng lớn như JJ Express hay Elite, đặt hoặc check giá qua trang web này rất tiện lợi: 12go.asia. Ngoài ra bạn có thể đặt trực tiếp với hãng xe bằng cách gửi email hoặc nhắn tin qua fanpage của họ. Tôi đi các chặng như Mandalay – Inle hết 17,615Kyat; Inle – Yangon: 27,700Kyat.
Khách sạn ở Inle hay thị trấn Nyaungshwe
Đến Inle Lake dân tình thường hay ở trong thị trấn Nyaungshwe, nơi tập trung khá nhiều khách sạn, nhà nghỉ tầm trung giá cả hợp lý. Tôi đi một mình nên ở dạng Domitory, tức là ở chung với nhiều khách du lịch khác, nhưng không giống với dạng hostel ở châu Âu hay các nước khác, mỗi phòng ở đây chỉ có tầm 3-4 người ở và mỗi người một giường đơn khá sạch đẹp. Khách sạn tôi ở là Manaw Thukha Hotel sạch sẽ thoáng mát, đồ ăn sáng đã bao gồm trong giá phòng, món ăn tuy không đa dạng nhưng khá ổn.
Ngoài ra nếu bạn muốn ở dạng cao cấp hơn hoặc là người thích ở resort, trực tiếp tận hưởng hương trời sông nước thì không thể bỏ qua những khu resort đẹp ở trên hồ Inle, có biệt thự trên mặt nước (kiểu như Water Villa ở Maldives đó) như Sky Lake Inle Resort hay Inle Resort , giá cũng không quá cao chỉ tầm 50-100$/đêm thôi.
Mời bạn đọc thêm bài review về các khách sạn ở Myanmar ở đây.
Ăn uống ở Inle Lake
Cũng giống như Bagan, có khá nhiều các quán ăn phục vụ cả đồ truyền thống và đồ Tây ở một khu vực nhỏ trong thị trấn. Ngay ở trung tâm bạn sẽ thấy tập trung khá dầy các quán ăn, không chỉ vậy, nhiều quán họ còn tổ chức các khoá học nấu món ăn truyền thống của người Myanmar cho dân du lịch hồ Inle luôn.
Với 2 ngày ở Inle thì một lần tôi ăn khi đi tour trên hồ, buổi tối ăn đồ truyền thống còn trưa hôm sau thì ăn dim sum ở một quán ngay gần khách sạn. Nhìn chung đồ ăn ở đây khá ngon, không hề khó ăn mà giá cũng rất phải chăng.

Kinh nghiệm du lịch bụi và hành trình 2 ngày ở Inle
Inle là một nơi mang dáng dấp của Sapa hay Đà Lạt của Việt Nam, tức là không khí rất trong lành của một miền núi cao, nhưng ở đây rộng và yên bình lắm. Không có các toà nhà hay các khách sạn cao tầng, cũng chẳng có những con đường đầy các phương tiện giao thông, mà đơn giản chỉ là một thị trấn nhỏ Nyaungshwe bên cạnh hồ Inle rộng lớn. Gọi là hồ Inle thôi nhưng có lẽ phải nói hồ này rộng chẳng kém một con sông lớn, mà đi thuyền cả ngày không hết. Các điểm phải đi khi đến Inle có thể kể ra như:
- Mua một tour và dành nguyên ngày để tham quan hồ Inle.
- Chợ trung tâm Nyaung Shwe – Mingalar nơi trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân địa phương.
- Tu viện Shwe Yan Pyay.
- Red Mountain Estate: Vườn nho bạt ngàn và xanh mướt trên đồi cao.
Lịch trình 2 ngày ở Inle
Ngày 1: Mua tour đi thuyền trên hồ Inle
Tôi đi chuyến bus đêm từ Mandalay đi Inle, mặc dù xuất phát khá sớm tầm 10h tối nhưng đến tận gần 5h sáng xe mới đến Nyaungshwe. K
hi mới ở cửa ngõ đường vào thị trấn Nyaungshwe, một trạm kiểm soát ở đó và lên xe để yêu cầu khách du lịch mua vé. Chỉ khách du lịch nước ngoài đến Inle mới phải mua còn người bản địa tất nhiên là không, vậy mà may mắn là họ chỉ thu khách phương Tây, một số người châu Á như tôi có lẽ họ nghĩ là người Burma nên không thu tiền, tiết kiệm được 12,500 kyat đó chứ không ít ỏi gì đâu nhé^^.
Tôi dự định dành nguyên ngày đầu tiên chỉ để tham quan các điểm quanh hồ Inle. Chưa biết mua ở đâu vì tôi còn phải tìm thêm đồng bọn mua tour nữa, đi một mình mà nếu thuê riêng 1 thuyền thì đắt lắm. Vừa xuống xe thì một bác già già nhìn khá phúc hậu bắt chuyện, hoá ra là bác làm tour đi thuyền hồ Inle. Ông bác này nhiệt tình lắm, nhiệt tình kinh khủng luôn đó, cứ hỏi tôi có đi tour luôn không, tất nhiên là tôi vẫn chưa định hình được gì vì vừa mới đến chưa biết nơi này ra sao, mắt nhắm mắt mở vì còn ngái ngủ, giá cả rồi con người nơi này cũng chưa biết ai với ai. Thế nên tôi còn lưỡng lự lắm, còn phải về khách sạn check in trước nữa. Ông bác thì cứ đi theo tôi, dắt chiếc xe đạp rồi chở cả hành lý cho tôi, theo tôi về khách sạn luôn.
Giá bác đưa ra là 15.000Kyat cho 1 thuyền đi nguyên ngày, đi bao nhiêu tiếng bao nhiêu điểm cũng được chỉ trừ có Indein thôi, nếu muốn đi Indein thì thêm 2.000Kyat nữa. Tôi thì quan trọng nhất vẫn là đi thuyền ngắm hoàng hôn và chụp ảnh các ngư dân – kiêm nghệ sĩ biểu diễn bắt cá bằng chân độc đáo mà tôi đã từng ngắm qua các bức ảnh về nơi này. Giá cả thì cũng mang máng nghiên cứu rồi, tầm 17k-20k Kyat cho tour nguyên ngày là hợp lý, thế là chốt 17k cho lịch trình có cả Indein luôn Tôi nói rằng tôi phải tìm người đi cùng để share tiền tour đã, Zaw Liwn – tên bác lái thuyền – đi cùng tôi về khách sạn luôn.

Đang đi giữa đường về khách sạn Manaw Thukha Hotel thì duyên quá, hai chúng tôi gặp một cô gái người Sing – Rene Ng – hoá ra cô nàng này ở cùng khách sạn với tôi, đến Inle từ hôm trước nhưng cũng chưa tìm được người đi cùng nên chờ đến hôm nay. Zaw Liwn thì biết Rene từ trước rồi nên “mối lái” 2 chúng tôi luôn, thế là cùng chung chiến tuyến, share tiền đi tour. Thực ra tôi cũng không muốn đi quá đông, không tự chủ được lịch trình của mình, hai người là đủ rồi, dễ thương lượng và tự do hơn theo ý mình.
Sau khi check in phòng, cất đồ đạc và sẵn sàng cho chuyến đi nguyên ngày, 2 hai chúng tôi cùng Zaw Liwn ra bến tàu để lên đường. Bến tàu nằm ngay trong trung tâm Nyaungshwe, đây có vẻ là nơi tập kết của cả thuyền đưa khách đi tour và thuyền chở hoa quả bán buôn của Inle. Theo thoả thuận thì tour sẽ kéo dài đến lúc hoàng hôn, các địa điểm bác tài giới thiệu luôn để hai chúng tôi tìm hiểu và quyết định đi những điểm nào, vì quá nhiều điểm dù đi thuyền cả ngày cũng sẽ không hết.
Thế là chúng tôi quyết định đi 4 điểm thôi, không quá vội vàng, tận hưởng là chính, nhưng sẽ phải bao gồm Indein – nơi có hàng ngàn ngôi đền nhỏ san sát nhau, và vườn cà chua trên nước (chợ nổi – floating garden), hai điểm nữa là khu chợ với những cửa hiệu làm bạc truyền thống, và tu viện Nga Phe Kyaung. Thật ra là còn một vài điểm đến nữa như làng của những người cổ dài (giống làng cổ dài ở Chiang Mai), làng dệt lụa hay tu viện mèo,.. nhưng chúng tôi cũng không ham hố nhiều mà chỉ đi chậm, tận hưởng là chính thôi.
Trải nghiệm đi thuyền trên hồ Inle
Thuyền 3 người gồm bác tài (boat driver) và hai chúng tôi, đó là chiếc thuyền máy nhỏ hẹp nhưng khá dài (tầm 5m), đến mỗi điểm đến Zaw Liwn sẽ tắt máy và chèo bằng mái chèo. Xuất bến lúc tầm gần 8h sáng, trời vẫn còn chưa hửng nắng nhiều, trên hồ thì còn đọng sương, không khí thực sự mát mẻ và trong lành, kiểu trong veo luôn đó. Tôi tận hưởng không khí này thật lâu, giống như một gã sống nơi đô thị bụi bặm cả năm trời mới được tận hưởng khí trời một miền núi cao trong lành đến vậy.
Quãng đường từ bến đến điểm đầu tiên khá xa, mất phải chừng 30′ đi thuyền. Hồ rộng thật đó, làn nước lặng sóng sánh đập vào mạn thuyền đang lao vun vút. Một bên là một màu núi non cảm tưởng như những ngọn núi đặc trưng vùng Kashmir hùng vĩ của Ấn Độ, một bên là mênh mông trời biển (thực ra giống như một con sông nhỏ). Phía chân trời, mặt trời vẫn chưa lên cao hẳn, lấp ló sau những đám mây dầy từng lớp tạo nên những đường ray chiếu xuống mặt hồ thật huyền ảo.
Làng nghề làm bạc truyền thống
Sau khi vượt qua một đoạn hồ rộng lớn, thuyền bắt đầu len lỏi vào những ngõ ngách nhỏ hơn để đi vào các điểm tham quan. Điểm đầu tiên là làng nghề làm bạc, với một số căn nhà nổi với nghề bạc truyền thống. Ở đây họ có bán tất cả những đồ vật, trang sức làm bằng bạc, họ còn trực tiếp thổi bạc để du khách chiêm ngưỡng luôn.
Ngoài những cửa hàng cửa hiện bán đồ bằng bạc, ở đây còn diễn ra chợ phiên hàng ngày bán đủ các món đồ thập cẩm, từ đồ lưu niệm, trang sức cho du khách, rồi cả chợ cá, đồ lương thực thực phẩm nữa. Đi qua một chiếc cầu nhỏ là một ngôi đền/chùa với mái nhọn hoắt đặc trưng.
Indein – xứ sở của hàng ngàn ngôi đền
Thuyền tiếp tục đi đến Indein, một điểm tham quan chủ chốt trong hành trình. Đây là một vùng rộng lớn nổi tiếng với hàng ngàn ngôi đền nhỏ mà nếu mới nhìn qua những bức ảnh trên các website về du lịch, có lẽ ai cũng nghĩ mình lạc vào một vùng đất mới mẻ, lạ lẫm.
Thuyền cập bến Indein, chúng tôi đi qua một số nhà hàng ngay bến thuyền, rồi tiếp tục đi bộ sâu vào trong thị trấn (hoặc gọi là làng cũng được). Thị trấn này khá rộng, dân cư có vẻ đông đúc hơn và chợ phiên nhộn nhịp hơn. Thi thoảng ghé qua một quán nhỏ với những chiếc bánh nhỏ xinh ăn khá ngon.
Sau khi lượn lờ ở khu chợ, hai chúng tôi tiến qua một hành lang dài để đến khu tập hợp của những ngôi đền nổi tiếng. Để đi hết khu này có lẽ mất hẳn một buổi tham quan, đó là những ngôi đền nhỏ, cao trung bình tầm 3m với mái nhọn, đứng san sát nhau như những hàng chông khổng lồ cắm trên mặt đất. Những ngôi đền này có hai màu chủ yếu là màu vàng và màu của gạch đỏ.

Sau khi tham quan những ngôi đền ở đây thì cũng đã tầm giữa trưa, chúng tôi quay trở về bến thuyền vì bác tài vẫn đang chờ ở đó. Hai đứa quyết định ăn trưa ở nhà hàng gần bến thuyền luôn. Đó là một nhà hàng nhỏ được thiết kế như một khu sinh thái, một bên là sông nước với rất nhiều cây xanh nên mát mẻ, thoải mái. Đồ ăn thực ra cũng không có gì đặc biệt lắm nhưng cũng khá ổn.
Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện đủ thứ, về đất nước của hai người, du lịch và những dự định. Rene là một designer, cô nàng đang trong quá trình nghỉ việc và đi du lịch nên khá rảnh, Rene ở Myanmar tầm 20 ngày, rồi sau đó quay về Sing để chuẩn bị cho một chuyến đi 1 tháng ở Nhật Bản nữa. Nghĩ mà cũng thèm cái hộ chiếu của Sing quá, đi đâu cũng được hết á!
Tu viện Nga Phe Kyaung
Tu viện này chúng tôi chưa có khái niệm hay hình ảnh nào từ trước trong đầu, hình như là bác tài đề xuất với chúng tôi. Về sau sau khi đi chúng tôi mới thấy rất biết ơn bác tài vì đã đưa đến một nơi tuyệt vời như vậy. Đó là một tu viện nhỏ nằm giữa vùng sông nước, với một cây cầu đơn sơ có mái che bắc qua. Mọi thứ ở đây cảm giác thật yên bình, cũng khá đông khách du lịch nhưng không vì thế mà ồn ào lộn xộn. Ngược lại, mọi thứ đều sâu lắng, từ những bóng nắng đổ xuống qua khung cửa sổ,
Floating Garden
Lại là một điểm đến đặc trưng khác của Inle, đó là những vườn cà chua xanh mơn mởn trồng trên mặt nước, những ngôi nhà nổi màu sắc sặc sỡ. Ở đây chúng tôi đi dạo trên một cây cầu gỗ nhỏ, dài để ngắm mây, trời, sông nước, núi non. Dường như là muốn ở lại đây mãi không thôi. Đến một quán nước nhỏ ở đây cũng đáng yêu nữa kìa!
Ở đây còn được gọi là làng nổi Maing Thauk, bạn có thể đến đây như chúng tôi bằng thuyền, nhưng cũng có thể đến bằng các phương tiện đường bộ, như mọi người vẫn hay đạp xe đến đây chẳng hạn. Điểm này nằm không quá xa với trung tâm Nyaungshwe.
Ngắm hoàng hôn hồ Inle và tuyệt chiêu đánh cá bằng một chân
Đây có lẽ là hình ảnh dễ hình dung nhất về Inle, có lẽ ai cũng đã từng được nhìn thấy nếu tìm hiểu về Myanmar, cũng có thể coi là một hình ảnh đặc trưng của đất nước này.
Khi trời bắt đầu xế chiều, chúng tôi rời khỏi Maing Thauk để ra giữa lòng hồ, nơi có thể ngắm hoàng hôn Inle một cách rõ ràng nhất. Trước khi đi tôi có nói với bác tài tìm cho tôi một vài người đánh cá để họ “biểu diễn” và tôi sẽ tác nhiệp – chụp ảnh. Đến nơi thì đã thấy một đội súng ống xếp hàng đang chụp 3-4 người đánh cá như vậy rồi. Thuyền chúng tôi đậu ở một nơi vắng hơn, Zaw Liwn điều đến 2 người ngư dân, họ cũng quen với việc này rồi nên rất thoải mái, làm đủ các động tác để tôi tác nghiệp. Tất nhiên là mất một chút phí cho họ nhưng không nhiều lắm.
Ngày 2: Khám phá Nyaung Shwe
Nyaungshwe là một thị trấn nhỏ, không có nhà cao tầng, những con đường ở đây cũng nhỏ như những con đường ở làng quê Việt Nam vậy. Tôi dậy thật sớm, chọn một chiếc xe đạp trong hàng chục chiếc xe mà khách sạn họ để ở sân cho khách mượn miễn phí để lượn lờ quanh thị trấn lúc tinh mơ.
Chợ trung tâm Nyaung Shwe – Mingalar
Chạy dọc theo con đường chính, tôi được tận mắt nhìn thấy nhịp sống của những người dân bản địa Nyaungshwe. Ở đây không khí dễ chịu lắm, trời mát chứ không nóng như ở Bagan đâu. Nhưng hầu hết người dân họ vẫn bôi Thanaka lên mặt như một thói quen truyền thống. Trong thị trấn thì ngoài bến thuyền, những quán ăn phục vụ cho khách du lịch thì còn có chợ trung tâm Mingalar là nhộn nhịp. Ở đây họ bán đủ các thứ từ thực phẩm, đồ khô hay những hàng gia dụng hàng ngày.
Tu viện Shwe Yan Pyay
Tu viện này nằm ngay gần cửa ngõ ra vào thị trấn Nyaungshwe, nơi thu phí ra vào hồ Inle với du khách nước ngoài. Tôi đạp xe tầm 2km từ trong thị trấn, qua một con đường rợp bóng cây để muốn tận mắt thấy hình ảnh những chú tiểu ngồi bên ô cửa sổ của tu viện này. Thế nhưng đến mới biết tu viện khá vắng vẻ, các chú tiểu thì ở khu trong chỉ đến buổi trưa giờ ăn cơm mới tập trung ở phòng chính.
Red Mountain Estate
Tôi không nghĩ rằng ở Myanmar hay chính Nyaungshwe này lại có một nơi “Tây” đến thế. Một trang trại nho để chiết xuất và ủ lên những chai vang hảo hạng thường chỉ biết đến ở các vùng quê nước Pháp hay châu Âu, nhưng khu vực Red Mountain Estate này cũng không hề kém cạnh.
Đạp xe đến đây cũng khá xa, mà đường thì lại dốc do lên núi nên mất khá nhiều sức lực. Tôi đến đây cũng tầm chiều muộn, để đón chờ ánh hoàng hôn phủ bóng vườn nho nhìn từ núi cao này. Đó không phụ trí tưởng tượng của tôi, những hàng nho xanh mơn mởn hai bên đường từ bãi đỗ xe lên đỉnh của trang trại. Rất nhiều dân tây balo cũng đạp xe đến đây, không chỉ là tham quan mà còn là thưởng thức, hương vị của núi non, của đất trời và tất nhiên là những ly rượu vang hảo hạng.
Vòng quanh một lúc ở bên ngoài, tôi đi lên quầy bar, điểm cao nhất ở đây. Họ phục vụ như một quán rượu, hay có thể nghĩ đến kiểu một quán cafe thanh tịnh cũng được. Rất nhiều loại vang để bạn lựa chọn, có vang trắng, vang đỏ, giá cũng rất hợp lý chứ không cao như tôi tưởng. Gọi một ly vang như hầu hết những du khách ở đây, tôi chọn cho mình một chỗ ngồi ưng ý, để nhấm nháp chút dư vị cay cay chát chát, ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Nyaungshwe yên bình…
Các bài ký sự về chuyến đi Myanmar:
Cảm ơn bạn, mình đã có 1 chuyến đi cuối T4 đầu T5 vừa rồi ở Myanmar rất tuyệt nhờ tham khảo bài của bạn, rất tiếc khi đó chưa có bài đi Inle này! ^^
Uh mình đi cũng lâu rồi nhưng giờ mới có thời gian viết, series về Myanmar khối lượng cũng nhiều nữa :-(.
Toi rat thich doc nhung bai viet ve du lich va xem nhung tam hinh ban chup. Cam on ban rat nhieu . Chuc ban khoe vui va co nhung chuyen di choi thu vi de viet cho moi nguoi thuong thuc.
Cảm ơn bạn nhiều, hy vọng bạn sẽ luôn ủng hộ những bài viết của blog :-).
Bài viết của bạn rất hay và khá chi tiết. mình cũng chuẩn bị đi Myanmar. Mình hỏi chút: Khi đi vào các chùa, tu viện có donate ko? Có tip cho những người làm dịch vụ ở đó ko? Bạn tip cho người biểu diễn đánh cá bn? Thanks!
Cái đó không bắt buộc bạn nhé.
Thanks bạn, thông tin của bạn rất hữu ích cho chuyến đi Myaamar săp tới của mình
Cảm ơn bạn nhiều lắm, nhờ thông tin của bạn mà mình đã lên được lịch trình cơ bản ở Myanmar giữa tháng 11 này
Cho mình hỏi, tụi mình muốn đón hoàng hôn trên đồi rượu vang nhưng lịch các chuyến xe bus đến Yangon đều khoảng 18h nên có lẽ không kịp. Không biết khi bạn đi thì book chuyến xe như thế nào, chứ bỏ lỡ hoàng hôn ở đây thì tiếc lắm.
Cám ơn bạn vì bài viết rất chi tiết nhé!
Ở Burma thì tầm 5h đã bắt đầu là hoàng hôn rồi bạn nhé, giờ xe bus của mình cũng hệt như bạn, mình đón hoàng hôn xong tầm hơn 5h, sau đó mới về ksan lấy hành lý và ra bến xe ngay gần đó.
hồ inle không thấy bạn đi làng cổ dài? tháng 04 này mình sẽ đi nên đang tham khảo. Trong tour một ngày đi thuyền thì có được đi làng cổ dài không bạn?
bạn muốn đi bạn cứ nói với lái thuyền họ sẽ đưa bạn đi nhé.
Cảm ơn bạn rất nhiều! Tôi sắp có chuyến đi đến Myanmar, đây sẽ là những thông tin rất hữu ích cho tôi.
Cảm ơn chị ạ ^^.
Cho mình hỏi, bạn đi red mountain ngắm hoàng hôn xong có kịp về ks để về lại yangon không? Vì theo mình tìm hiểu 5h xe bus đã rước mình từ ks rồi. Thanks bạn
Không kịp đâu bạn ah, bus mình đi xuất phát lúc 6h chiều.