Kaohsiung – Du lịch Cao Hùng là một thành phố lớn nằm ở phía Trung – Nam của Đài Loan, nếu xét về độ sầm uất có lẽ chỉ đứng thứ hai sau Taipei. Với riêng cá nhân tôi thì Cao Hùng không phải là điểm đến ưa thích vì nó không có điểm đặc trưng nổi bật, như kiểu đã phố xá thì phải phố xá hẳn như Hongkong, Taipei, còn đã văn hoá hay hoang dã thì phải như Tainan hay Hualien, dạng dạng như thế. Dù sao thì Cao Hùng cũng có khá nhiều điều thú vị để khám phá và trải nghiệm.
Đi đến Cao Hùng như thế nào?
Du lịch Cao Hùng nằm ở phía dưới các điểm du lịch như Alishan, Tainan và chỉ trên Kenting – điểm cực nam của Đài Loan. Đi lại ở Đài khá dễ nên bạn có thể chọn bus hoặc tàu đều được, nếu từ Việt Nam bạn còn có thêm lựa chọn đi máy bay trực tiếp đến Cao Hùng thay vì phải bay đến Taipei rồi mới đi tiếp đến Cao Hùng.
Đi bằng tàu:
Nếu đi bằng tàu thường bạn có thể đặt trước qua website đặt vé ở đây, hoặc cũng chẳng cần đặt trước vì tàu ở Đài Loan chạy thường xuyên liên tục cứ ra ga mua vé mà nhảy lên thôi. Từ Đài Bắc đến Cao Hùng tầm 5 tiếng đồng hồ, nếu đi tàu chậm (tàu địa phương) thì chậm hơn.
Nếu đi bằng tàu cao tốc HSR thì cũng tương tự, đến ga và mua vé, nhưng thời gian sẽ được rút ngắn đi đáng kể chỉ tầm 1,5h (mang tiếng cao tốc mà!) và cái giá thì cũng hoành tráng hơn nhiều. Tàu cao tốc HSR thường rộng và thoải mái hơn, cũng ít người đi hơn nhiều so với tàu thường.
Đi bằng bus:
Còn một cách nữa đi từ Taipei đến Kaohsiung là đi bằng bus với thời gian tầm 5 tiếng, giá vé khoảng 500-700NTD. Bạn ga trung tâm Taipei Main Train Station để mua vé, rất nhiều hãng chạy tuyến này như Ubus, Kingbus, Aloha, Hohsin. Cách tìm quầy vé mời bạn tham khảo bài kinh nghiệm đi Alishan.
Đi lại trong thành phố khi đi du lịch Cao Hùng
Cao Hùng thuộc số ít các thành phố trên thế giới mà không phải thủ đô mà vẫn có hệ thống MRT trong nội thành. Đi lại trong trung tâm thành phố rất tiện lợi vì bạn có thể lựa chọn MRT, bus hoặc cả tàu địa phương làm phương tiện di chuyển. Một điều lưu ý là thẻ Easy card không sử dụng được ở đây, tôi cũng không hiểu vì sao vì thẻ vẫn dùng được cho tàu thường hoặc mua bán ở 7Eleven. Cách di chuyển đến các địa điểm du lịch sẽ được chia sẻ ở phần dưới đây.
Giá từng chặng MRT dao động từ 20-30NT tuỳ khoảng cách xa gần. Ở một số địa điểm mà trạm MRT ở xa bạn có thể lựa chọn đi bus, trực quan và tiện lợi, chỉ có một điểm trừ là bus sẽ đi lòng vòng và mất nhiều thời gian hơn MRT.
Bạn cần phân biệt trong thành phố có 2 hệ thống tàu nhé, đó là MRT và LRT. Bạn có thể mua vé ngày không giới hạn đi MRT ở đây, rất thuận tiện khi đi các điểm tham quan, không phải lo lắng gì mà lại tiết kiệm.
- Tàu điện ngầm Cao Hùng (Kaohsiung Mass Rapid Transit, KMRT): Đây là hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên và duy nhất ở Đài Loan. Tàu điện ngầm Cao Hùng có 2 tuyến là Tuyến Màu Xanh (Blue Line) và Tuyến Màu Đỏ (Red Line). Tàu điện ngầm Cao Hùng có thể dẫn bạn đến các khu vực chính của thành phố như Cao Hùng Main Station, Cầu Năng Lưu, Bến Tàu Sóng Cước, Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Cao Hùng (Kaohsiung Exhibition Center) và nhiều điểm đến khác.
- Hệ thống Tàu Điện Cao Hùng (Kaohsiung Light Rail Transit, KHLRT): Đây là một hệ thống tàu điện nhẹ chạy trên đường ray dọc theo đường ven biển Cao Hùng. Hệ thống KHLRT có các tuyến đường khá dài và nối liền các điểm tham quan và bãi biển nổi tiếng như Cầu Cao Hùng Đài Loan, Khu Du Lịch Khánh Hòa, Cảng Cao Hùng và nhiều khu vực khác.
Ăn uống ở Cao Hùng – ẩm thực và quán ngon
Nếu là người mới đi du lịch Cao Hùng, một cách dễ dàng nhất để thưởng thức các loại đồ ăn ở thành phố này là đến chợ đêm Liuhe, nơi mà bạn được bơi trong hải sản và đồ ăn ngon. Nhìn hải sản ở đây nhiều, đa dạng và có vẻ tươi ngon hơn hẳn những nơi khác vì chúng được bày bán tập trung hơn. Đến chợ đêm tôi thường ăn mỗi thứ một ít để thử được nhiều loại hơn, một buổi tối ăn thả phanh ở đây tôi ngốn tầm 400-500NT, gồm một bữa hải sản kiểu BBQ, hàu xào giá và tôm tẩm bột rán, tráng miệng bằng một bát chè thập cẩm ngon tuyệt.
Một số đồ ăn khác đặc trưng của Kaohsiung mà bạn phải nếm qua như bánh Pancake Deep Fried, bánh bao Wu Bao Chun, mỳ bò Gang Yuan, kem xoài Gao Xiong Po Po và quán nướng Nhật Bản Tan Zuo Ma Li Grill. Ngay gần ga trung tâm có vài cửa hàng đồ Nhật ăn rất ngon và một cửa hàng trà sữa Gong Cha, đồ uống nổi tiếng của Đài.
Ở khách sạn/hostel nào khi đến Cao Hùng
Cao Hùng là thành phố lớn nên bạn không phải lo lắng lắm về tìm khách sạn, nhà nghỉ, cứ lên Agoda hay Booking mà đặt phòng thôi. Giá phòng ở đây khá tương tự với phòng ở Đài Bắc hay các thành phố khác của Đài Loan, phòng đôi đẹp thì nhiều mức giá từ 20$-50$, còn nếu ai muốn ở dạng hostel thì giá chỉ tầm 12-15$/đêm thôi. Kinh nghiệm là bạn nên tìm khách sạn nào đó nằm gần ga MRT để tiện đi lại.
Tôi ở Paper Plane Hostel phải nói là cực tốt, giá phòng chỉ 13$/giường/đêm nằm ngay sát với ga MRT. Phòng siêu sạch đẹp và hiện đại mà tôi ngỡ như mình đang ở một hostel ở Paris với rất nhiều công nghệ vậy. Từ cửa khoá phòng và két sắt đều dùng khoá số, đèn cảm ứng các kiểu đà điểu! Điều thích nhất là hostel này nằm ở tầng 10 của một toà cao tầng, xung quanh toàn kính nên buổi đêm nằm ngắm đèn đường lung linh, buổi sáng thì ánh nắng chan hoà ấm áp cả căn phòng.
Những điểm tham quan du lịch Cao Hùng
Cao Hùng – Kaohsiung có khá nhiều điểm tham quan cả ở trong thành phố lẫn ngoại thành, đi day trip. Ở trong thành phố bạn nên mua 1 chiếc thẻ Kaohsiung Pass áp dụng cho các điểm tham quan công viên, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đặc biệt, massage và phương tiện đi lại, tất cả các nhu cầu đều được đáp ứng cùng một lúc.
Chợ đêm Liuhe và Ga MRT đẹp nhất thế giới
Khu chợ đêm rất nổi tiếng ở Cao Hùng bán chủ yếu là hải sản. Ăn uống ở Cao Hùng nói riêng và Đài Loan nói chung là bạn không cần phải mặc cả, mà mặc cả họ cũng không bán đâu. Ngoài chợ đêm Liuhe thì ở Cao Hùng bạn có thể tham khảo thêm các khu chợ đêm khác như XinJueJiang, Riufeng.
Cách đi đến Liuhe: MRT Formosa Boulevard Station – đây cũng chính là ga MRT được mệnh danh là đẹp nhất thế giới (không biết là ai phong cho nữa nhưng nghe phong phanh vậy thôi ^^). Sau khi ra khỏi tàu bạn lên tầng 2 sẽ thấy một mái vòm rất nhiều màu sắc lấp lánh được thiết kế theo hình tròn bao bọc một sảnh rộng, giống như đang đứng dưới bầu trời nhiều màu vậy. Trong sảnh còn có 1 cây piano để du khách sống ảo nữa!
Ga MRT này độc đáo không chỉ là sảnh bên trong mà còn là kiến trúc bên ngoài. Nếu để ý bạn sẽ thấy khi bước ra khỏi ga là 4 cửa nhà ga nằm ở 4 góc của một ngã tư lớn, đi buổi tối nhìn sẽ rất đẹp lối kiến trúc theo khối tam giác làm tôi liên tưởng đến những bảo tàng Louvre ở Paris.
Cây cầu tình yêu – Love River
Cách đi: Đến ga MRT Aozihdi hoặc Houyi, đi bộ tầm 10′ dọc theo con đường chính là đến.
Cây cầu này rất đẹp nếu đi buổi tối khi dọc theo thành cầu rực sáng ánh đèn, thiết kế uốn lượn mà ta có thể hình dung ra nhiều hình tượng khác nhau. Ở đây đi dạo hoặc có thể đạp xe rất lãng mạn, đứng từ trên cầu để ngắm giao thông thành phố lung linh buổi đêm.
Chùa Phật Quang Sơn
Ngôi chùa hoành tráng và rộng lớn nhất mà tôi từng tham quan, nằm cách trung tâm Kaohsiung tầm 30km về phía đông bắc. Tên phiên âm tiếng trung của chùa là Fo Guang Shan (Shan giống như trong chữ Alishan nghĩa là núi). Chùa rộng tầm 100ha nổi bật là đại lộ chính diện rộng lớn, hai bên là 8 toà bảo tháp đều tăm tắp dẫn tới pho tượng Phật đúc bằng đồng cao 108m.
Một điều tôi thích ở chùa Phật Quang Sơn là chùa rất rộng lớn nhưng không có quá nhiều khách tham quan, và lúc nào cũng tĩnh lặng, yên bình. Nhưng có một thứ tôi lại không khoái lắm, đó là chùa hiện đại quá, mang quá nhiều dáng vẻ của sự nhân tạo.
Cách đi: Bạn đi MRT đến trạm Zuoying, nhớ là MRT Zuoying chứ đừng nhầm với ga tàu địa phương Zuoying nhé, khác nhau đấy. Đây là một ga tàu MRT lớn, bước ra khỏi sảnh hỏi bến xe bus để bắt xe 8501 đi Phật Quang Sơn, nhớ chuẩn bị tiền lẻ vì tài xế sẽ không trả lại tiền thừa đâu, giá 70NT/lượt. Bus chạy mất tầm 30′ với tần suất 1 tiếng 1 chuyến, đến chùa bạn cũng nhớ xem giờ của chuyến quay lại Cao Hùng để căn giờ cho chuẩn nhé.
Một cách khác không phải bắt xe bus 8501 từ MRT Zuoying là đi taxi, một đặc điểm taxi ở Đài Loan là rất thích ghép khách. Chiều đi tôi đi taxi ghép, rất nhanh mà sướng với giá 100NT/người, chiều về thì đi xe bus.
Chùa Tiger & Dragon Pagodas
Đây là ngôi chùa đôi rất nổi tiếng và dường như đó là biểu tượng của Cao Hùng vậy vì bạn có thể thấy rất nhiều về hình ảnh ngôi chùa này trên các tấm áp phích quảng cáo du lịch Cao Hùng hay trên các poster, mặt báo. Đó là hai toà tháp nổi bần bật ở hồ Lotus Lake, dưới chân tháp là hai đầu con hổ và rồng khổng lồ.
Bạn có thể đi MRT đến đây nhưng có vẻ sẽ phải đi bộ hơi xa. Trong chuyến đi của mình thì khi trở về từ Phật Quang Sơn, từ MRT Zuoying tôi đi bộ băng qua một công viên rất đẹp, trong lành để đến ngôi chùa này.
Khu tổ hợp vui chơi Eda World
Khu EDA World là một khu tổ hợp vui chơi rất rộng lớn gồm nhiều công trình khác nhau như khách sạn, bệnh viện, khu mua sắm và vui chơi, trượt băng. Điểm nổi bật nhất của khu này là vòng xoay khổng lồ, ngồi đây có thể ngắm toàn bộ vương quốc EDA. Giá vé đi vòng xoay là 200NT. Bạn có thể dành cả ngày để vui chơi ở đây.
Trung tâm nghệ thuật Pier 2 Art Center
Gọi là trung tâm nghệ thuật bởi nơi này là một tổ hợp được xây dựng từ những nhà kho bị bỏ hoang bên bờ biển, ở đây giống như là tập hợp của rất nhiều khu bảo tàng với những tác phẩm mang tính sáng tạo cao.
Cách đi: Đến MRT YanChengPu rời bằng cửa Exit 1, đi bộ theo đường Dayong 5′ là đến nơi.
Sun Yat Sen (Đại học Tôn Trung Sơn)
Ngôi trường mang tên nhà cách mạng Tôn Trung Sơn với vị trí vô cùng đắc địa một bên là biển và một bên là núi non trùng điệp. Vị trí của trường còn được gọi với tên gọi khác là Vịnh Tây Tử – Xi Zi Wan. Để đến đây bạn bắt MRT đến trạm Xi Zi Wan luôn hoặc nếu đi từ Pier 2 Art Center có thể đi bộ một quãng là tới.
Mời bạn đọc những phần khác về chuyến đi du lịch bụi Taiwan:
- Phần 1: Tất tần tật về du lịch Taiwan
- Phần 2: Lịch trình tham khảo 4 ngày ở Taipei
- Phần 3: Một ngày khám phá làng cổ Jiufen, Shifen
- Phần 4: Kinh nghiệm đi núi Alishan ở Đài Loan
- Phần 5: Đài Nam và những góc phố dịu dàng
- Phần 6: Kinh nghiệm ăn gì chơi gì khi đi du lịch Kaohsiung
- Phần 7: Rong ruổi xe máy một ngày thiên nhiên xứ Đài ở Hualien
Trời ơi, đợi mãi cũng tới Cao Hùng :)). Bạn đợi An lâu quá còn tính chuyển ngày lên ko chơi ở CH nữa, mà dành trọn mấy ngày ở ĐB luôn :)).
Cảm ơn An đã review nhé, ko hiểu sao email ko báo là có bài mới.
Mà An ơi, bạn lướt web xem hình ở đây, thấy có 1 địa điểm chùa hay j đó mà có giăng đèn lồng vàng đỏ rất đẹp. An có nhớ là nơi nào ko?
Ui trời bài này mình mới viết xong chưa kịp gửi mail cho mọi người bạn ơi ^^. Còn cái chùa có giăng đèn lồng vàng đỏ là ở Đài Nam sao ý không phải Cao Hùng thì phải.
Vé tàu cao tốc AN đi từ Chiayi tới Tainan là bnh thế?
An đi CH từ ĐN là đi bus hay đi tàu thế? Mất thời gian bao lâu và giá vé thế nào hả An?
Ở Đài Nam buổi tối có chỗ nào để đi trừ bảo tàng Chimei nhỉ?
Sau 1 tuần thì hìh như mình đã đi theo lộ trình giống An rồi đó :).
Vé tàu cao tốc bạn vào link trong bài check nhé, mình đi tàu từ Đài Nam đi Cao Hùng, mất tầm hơn 1 tiếng, đi tàu địa phương chậm hơn tàu thường vì lúc đó mình không phải đi từ ga trung tâm ĐN mà từ ga Bao An, nơi có bảo tàng Chimei,hình như mất tầm chưa đến 100NT sao ý. Ở Đài Nam buổi tối nhiều chỗ chơi mà vì phố xá ở đấy khá đông đúc nhộn nhịp. Bạn có thể dạo phố thăm các cửa hàng bán đồ đặc sản, cửa hàng sách, một số cửa hàng có đồ da handmade rất đẹp nữa, uống trà sữa ăn đồ đường phố, hoặc khu phố cổ Anping buổi tối cũng rất đẹp. Bạn xem bài mình viết về Đài Nam nhé 🙂
Mình sắp có chuyến đi học 2 tháng tại BV Cao Hùng. Hy vọng sẽ đủ khả năng để đi chơi những chỗ bạn giới thiệu. Thank so much
Chúc bạn có chuyến đi vui vẻ^^.
Cho mình hỏi EDA World thường thì mình nên đi nửa buổi hay cả ngày vậy bạn ? Nếu nửa buổi thì nên đi sáng hay đi chiều ạ. Cám on bạn
chắc là mất cả ngày đó bạn ah
Mình đi từ Cao Hùng ra sân bay thì bao gồm những phương tiện nào và chi phí ra sao ạ? Nhờ add tư vấn hộ