Lúc này là 12h trưa giờ Olhuveli và 11h giờ Maldives, chúng tôi đã check-out xong và chờ Ahmed từ Guraidhoo sang đón. Hai hôm nắng chang chang là quá mãn nguyện cho một kỳ nghỉ đẹp ở resort rồi. Ahmed xuất hiện với chiếc speedboat nhỏ hơn hôm trước vì trời không còn mưa bão nữa. Tạm biệt Olhuveli, những ngày thả mình chốn thiên đường dưới làn nước trong vắt và trên những cây cầu dài nối biển lãng mạn…
Guraidhoo vẫn yên bình như thế như tôi đến đây hôm đầu tiên, không có nhiều người dân ở ngoài xóm nhỏ (thực tế là những đảo ở Maldives như Maafushi hay Guraidhoo chỉ nhỏ bằng một làng một xóm ở Việt Nam mà thôi). Arnis đã cười tươi trên bờ chờ đón chúng tôi, cảm giác như được trở về nhà vậy, quen thuộc và thân thương.
“Xin hãy chuẩn bị bữa trưa cho chúng tôi ngay nhé” – Tôi nói với Ahmed
Xem thêm bài: Hành trình hai tuần phượt bụi dọc dải miền Trung và Nam Trung Bộ
Đói – đó là cảm giác của hai chúng tôi lúc này, chúng tôi đã chờ khá lâu qua giờ buổi trưa để về được đến hòn đảo yên bình này. Hôm nay không còn mưa bão nữa mà nắng đẹp toàn khu đảo. Không có những hàng dừa cao vút như ở Maafushi, nhưng Guraidhoo lại có những thứ gì đó lặng lẽ kỳ lạ, tôi cảm nhận được điều đó qua từng con người mình tiếp xúc nơi đây. Họ không phải là dân làm du lịch, nhưng cũng rất niềm nở khi nhìn thấy khách du lịch, – “Kha-lo” tiếng chào của người Maldivian mà tôi còn nhớ, ai nhìn thấy chúng tôi cũng chào như vậy, có người còn chủ động hỏi chuyện rất nhiều. Maafushi thì sôi động hơn, nhưng chủ yếu họ muốn bán một cái gì đó thì đúng hơn. Ở đây tôi có thể sống với cảm giác ở với người bản địa thật sự, chứ không hẳn là một hòn đảo chỉ có du lịch.
Arnis dọn đồ ăn khá lâu, cậu ta vẫn vậy làm gì cũng vô cùng cẩn thận, và chăm chút. Trong lúc chờ đồ ăn thì Ahmed đưa cho tôi xem chọn một số tour mà gã cung cấp. Snorkeling, diving, và câu cá ngắm hoàng hôn. Giá các tour này có vẻ rẻ hơn ở Olhuveli khá nhiều nhưng nó vẫn khá đắt. Ví dụ như một tour snorkeling ngắm đảo Corals (san hô), Turtois hay Banana Island là $55/người/địa điểm, trong khi ở Olhuveli thường là $80-90 người. Thế nhưng cô bạn Emy lại chia sẻ với chúng tôi rằng ở Maafushi với số tiền ấy bạn có thể đi chơi snorkeling ở 3 địa điểm lận. Tôi nói điều này với Ahmed.
“Vậy đấy Ahmed ah, giá anh đưa ra cao quá”
“Để tôi nói với cậu. Ở Maafushi, họ có thể đưa cậu đi ba địa điểm, với giá như vậy. Đúng, nhưng họ sẽ đưa một đoàn đến Turtois hay Banana Island và để cho mọi người tự xuống và tìm rùa, tìm san hô,.. Tôi không gọi đó là dịch vụ. Với tôi, tôi sẽ phải lặn xuống cùng với họ, dẫn từng người và chỉ cho họ thấy con rùa ở đâu, san hô ở đâu, tôi gọi đó mới là dịch vụ!” – Ahmed giải thích. “Đặc biệt là với những người thiếu kinh nghiệm Snorkeling hay Diving, nếu không chăm sóc cẩn thận họ rất dễ dính chấn thương vì dẫm phải gai hay san hô sắc nhọn.” – Ahmed nói tiếp.
Nghe cũng một phần có lý, nhưng tôi thì không nghĩ là đến mức như vậy vì thực ra chúng tôi không đòi hỏi cao đến thế, và cái quan trọng nhất là chúng tôi không có nhiều tiền cho dịch vụ như vậy. Mỗi một tour đi một đảo lặn ngắm sinh vật biển khoảng 20′, đi 3 tour thì cả hai người chi phí đã là hơn $300 rồi. Cuối cùng chúng tôi quyết định chỉ đi tour fishing và ngắm hoàng hôn giữa biển, số cá câu được sẽ mang về và Arnis sẽ chế biến cho chúng tôi miễn phí.
5h chiều, một giấc ngủ khá dài. Ahmed giục chúng tôi vì thuyền đã sẵn sàng. Bầu trời Guraidhoo hôm nay tuyệt đẹp, nắng nhẹ và một màu vàng pha đỏ rất ít khi tôi được chứng kiến kể cả khi tôi đã từng ở một tháng ở châu Âu. Trên thuyền ngoài chúng tôi còn có Ahmed và hai người chủ của chiếc speedboat này.
Xem thêm bài: Kinh nghiệm du lịch bụi Singapore – Malaysia cho cả gia đình – Phần 1
Chỉ có vợ tôi là tập trung câu cá, còn tôi thì vừa câu vừa mải chụp ảnh. Ấy thế mà cuối cùng vợ tôi chẳng câu được con nào còn tôi câu được một con đấy, mặc dù nó rất nhỏ thôi! Nhưng không sao, những anh bạn đồng hành đã câu giúp chúng tôi rồi. Cách câu chủ yếu ở đây là mỗi người cầm một cuộn dây cước rồi gắn mồi câu vào đầu dây, mồi có thể là cá nhỏ, mực, bạch tuộc, sau đó thả xuống biển.
Chúng tôi đi ra khoảng 3 nơi khác nhau để tìm cá, có vẻ như hôm nay không phải là ngày đẹp trời cho việc câu cá vì không chỉ có chúng tôi mà cả Ahmed cùng hai “thuỷ thủ đoàn” đều câu được rất ít. Nhưng bù lại là hoàng hôn xuống đẹp vô cùng, có lẽ chỉ cần ngồi trên một con thuyền giữa biển khơi mà ngắm hoàng hôn thế này cũng thú vị rồi. Mà có lúc tàu còn đưa chúng tôi đến một số vùng biển mà mực nước rất nông chỉ tầm 1-2m, nước trong vắt nhìn thấy cả những tảng đá nhỏ phía dưới.
“Liệu chỗ cá này có đủ cho bữa tối không vậy” – tôi nhìn vào thùng cá chỉ lác đác vài con và hỏi Ahmed. Có vẻ hôm nay không phải là ngày may mắn cho việc đi săn.
“Oh đủ mà, cậu đừng lo” – Ahmed cười nham hiểm!
Một điều may mắn nữa trong chuyến đi này là tôi được nhìn thấy một đàn cá heo trên biển, điều khá hiếm thấy. Ahmed gọi tôi là “lucky man” vì có may mắn nhìn thấy cảnh cả đà cá đang nhào lộn giữa biển, cảnh tượng này thường bạn phải đến khu cá heo sinh sống và chờ đợi mới có thể chiêm ngưỡng. Đón hoàng hôn giữa biển, thật đẹp và yên bình… bầu trời chưa lúc nào lại nhiều sao đến thế…
“Nhìn kìa” – Ahmed gọi tôi.
Oh thì ra ánh trăng đang bắt đầu mọc lên từ đằng xa. “Có gì lạ đâu nhỉ” – tôi nói. Nhưng đấy mới chỉ là bắt đầu, ánh trăng bắt đầu lên cao dần, ban đầu nó bé tẹo mà rồi nó như đang đuổi theo thuyền của chúng tôi. Rồi nó đuổi kịp, tôi thấy giờ trăng đã lên đến đỉnh đầu và nó to chưa từng thấy, cảm tưởng như hôm nay là siêu trăng vậy làm sáng rực cả bầu trời…
Chúng tôi dành ra 3 con cá cho bữa tối. Arnis dùng nó để chế biến cà ri, rán tẩm ướp và chiên. Tắm rửa xong thì cũng là lúc Arnis chuẩn bị xong bữa tối. Dãy bàn ăn hôm nay vẫn chỉ có hai vợ chồng tôi ngồi ăn, tuy không đông đúc và sầm uất như ở Maafushi nhưng chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp và yên tĩnh, một kỳ nghỉ chỉ cần những giây phút riêng tư thế này thôi.
Hai chúng tôi ngồi ăn và Arnis vẫn đứng bên cạnh để sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào. Cậu ta nhất định không ăn cùng mà chỉ giúp chúng tôi gỡ cá và chuẩn bị cho bữa ăn. Tôi vẫn không thể nào quên được nụ cười tươi trên khuôn mặt đen nhánh của Arnis, rụt rè, hiền đến kỳ lạ. Cậu ta chăm sóc chúng tôi từng tí một và tất nhiên là tôi không có một từ nào để phàn nàn về chất lượng dịch vụ. Có thể biết được khẩu vị của chúng tôi hay sao mà món cà ri không giống với cà ri mà tôi ăn ở Malay hay một số nước đạo Hồi khác chút nào, vị nhẹ nhàng hơn và không bị hắc. Phải nói là đã đi và ăn khá nhiều đồ ăn ở các nước khác nhau nhưng thú thật tôi chưa thể nào làm quen nổi với món ăn của người đạo Hồi, có chăng là đôi lúc gọi ra một chút chứ không sao ăn được nhiều. Bữa ăn hôm nay rất ngon.
Tôi trước giờ vẫn thắc mắc là người dân trên đảo này họ kiếm sống bằng nghề gì, đàn bà thì không bao giờ thấy xuất hiện ở ngoài đường. Đến hôm nay khi đón cái cậu thanh niên góp vốn cùng mở Royal Inn này với Ahmed từ Cocoa – một resort siêu cao cấp gần đấy tôi mới rõ phần nào. Rất nhiều đàn ông trên đảo này làm việc cho những resort ở những hòn đảo kế cận. Buổi sáng hàng ngày sẽ có một chuyến phà riêng chở những người như họ sang Cocoa resort, họ làm ở đây đến tối mịt. Công việc của họ khá đơn giản chủ yếu là bồi bàn hay dọn phòng.
Phụ nữ ở trên đảo thì rất ít khi ra ngoài, thường chỉ ở nhà và trông nom con cái. Họ lập gia đình từ rất sớm, sớm đến ngạc nhiên. Như khi cậu thanh niên chủ Royal này khoe bức ảnh trong điện thoại này với tôi, một bức ảnh chụp có cậu ta, vợ và 6 đứa trẻ. Tôi hỏi thì ra cậu ta mới 22 tuổi, và 6 đứa trẻ đó chính là con cậu ta. Tôi tròn mắt kinh ngạc khi biết rằng cậu ta lấy vợ từ năm… 16 tuổi, thật không thể tin nổi…
Hầu hết mọi thứ trên đảo phải nhập khẩu, như việc xây cái guesthouse này cũng vậy. Ahmed nói rằng gã nhập gần như tất cả nguyên vật liệu từ Thái Lan, chi phí xây dựng căn nhà là hơn $100,000 (ở đây người dân không mất tiền mua quyền sử dụng đất). Phải nói đó làm một số tiền rất lớn nếu thấy rằng thu nhập hàng tháng của một người làm trong resort chỉ là từ $300-500. Hiện tại thì Guraidhoo vẫn chưa phát triển được như Maafushi, nhưng với tốc độ này thì chẳng mấy chốc sẽ trở thành một Maafushi thứ hai. Tôi thì chẳng thích như vậy, tôi vẫn muốn nếu quay trở lại, tôi sẽ lại được thấy một Guraidhoo yên bình, cũ kỹ như cái vốn dĩ như nó đã từng, không có những hàng dừa xanh nhưng sẽ là những tia nắng chói chang lọt khe qua những tán lá của hàng cây trước biển. Ấm áp và yên bình…
Sáng hôm sau chúng tôi đi phà công cộng về Malé để chuẩn bị cho chuyến bay trở về Hà Nội, tạm biệt những ngày sống ở thiên đường và hẹn trở lại một ngày không xa…
Ah bonus thêm hình của cậu bếp trưởng đáng mến mà Ahmed gửi cho tôi, tiếc là chúng tôi không có tấm hình chụp kỷ niệm nào!
—Kết thúc loạt bài ký sự về chuyến đi Maldives—-
Ký sự 6 ngày ở thiên đường Maldives: