Vậy là cuối cùng thì cũng đã trở về sau khi đặt chân đến điểm đến cuối cùng tại châu Âu là thành phố Dubrovnik, Croatia, nơi quay series Game of Thrones nổi tiếng hihi. Nên là xin phép được viết post này chia sẻ với anh chị em, nhất là hội anh chị em sinh viên UK về một số thành phố mà mình thích nhất trong khối Schengen và cách để có thể tham quan những thành phố này một cách tiết kiệm nhất để những người broke như mình cũng có thể có những trải nghiệm thú vị.
Về visa Schengen: Mình xin được 2 năm qua sứ quán Pháp tại London ở lần thứ 2 mình xin visa.
Hiện tại thì TLS Contact France đã bắt buộc mọi người xin visa phải đăng ký qua link này: Click here.
Thời gian chờ để được đăng ký lịch vào mùa du lịch này là khoảng tháng tới tháng rưỡi tại London. Manchester và Edinburgh có thể vắng hơn. Một đại sứ quán khác cũng cho visa thời hạn khá dài đó là Hà Lan.
Giấy tờ cần chuẩn bị khi xin visa Schengen từ UK – United Kingdom
Booking phòng khách sạn:
Cái này thì mọi người lên booking.com và chọn những option cho huỷ phòng miễn phí, lưu ý để ý và chọn những option “no prepayment” cộng với nhớ phải huỷ đặt phòng trước hạn cho phép để tránh trường hợp mất tiền đáng tiếc. Tuy là prepayment nhưng thẻ có thể bị charge trước khoảng 100 bảng <=> 3 triệu VND để xem có phải thẻ thật thanh toán được không. Khoản này sẽ được trả lại vào thẻ sau 1 thời gian ngắn.
Vé máy bay:
Các bạn có thể liên hệ chị Sammy Wu nếu ở UK để xuất vé vì chị ý làm miễn phí cho sinh viên. Nếu gấp quá có thể chọn vé tàu Eurostar hạng premium từ London sang Paris rồi cancel không mất phí ngay lập tức để có booking. Nên nhớ cách thứ 2 này chỉ làm được ở đại sứ quán Pháp chứ không làm được ở đại sứ quán Hà Lan vì họ có check.
Từ Việt Nam sang nếu không định submit kế hoạch đi chơi thật và muốn có visa trước khi quyết định kế hoạch đi chơi thì các bạn có thể mua vé hạng phổ thông tiêu chuẩn của VNA rồi huỷ. Phí huỷ là 300k.
Xác nhận trường học và công việc:
Cần phải có thư xác nhận bạn là học sinh của trường. Cái này lên trường xin dễ (không phải là CAS).
Từ Việt Nam sang thì phức tạp hơn. Cần phải có sao kê + công chứng sổ hộ khẩu. Xác nhận công việc + xác nhận cho nghỉ phép vào những ngày không phải ngày nghỉ lễ và bảng lương của 3 tháng gần nhất.
Chứng minh tài chính:
Sao kê Bank Statements của 3 tháng gần nhất. Ở Việt Nam thì tương tự + sổ tiết kiệm. Trường hợp bạn chưa có tiền thì sổ tiết kiệm của bố mẹ bạn + giấy uỷ quyền công chứng sang tiếng Anh. Tiết kiệm phải >100tr và cho phép bạn toàn quyền sử dụng số tiền đó trong thư uỷ quyền.
Ảnh visa 3.5×4.5. 2 ảnh chụp trong vòng 6 tháng trước khi nộp hồ sơ.
Bảo hiểm du lịch với giá trị bồi thường >=30.000 Euro có thể tìm thấy tại moneysupermarket trên google nha mọi người.
Kế hoạch chuyến đi và hộ chiếu:
Travel plan mọi người có thể tự tạo cho mình một nhỏ, chi tiết càng tốt, ghi rõ từng ngày với hoạt động gì ở đâu. Có thể xem thêm bài: Kinh nghiệm xin visa Schengen từ Việt Nam du lịch châu Âu có đề cập tới Travel Plan mẫu. Nhớ chuẩn bị hộ chiếu còn hạn + visa Anh bản photo (CMND nếu ở Việt Nam). Mặt trước và mặt sau.

Về kinh nghiệm cho chuyến đi du lịch châu Âu từ UK
Phương tiện đi lại
Vé máy bay là phương tiện mình lựa chọn cho các chuyến đi của mình. Để có được giá vé rẻ nhất các bạn có thể lựa chon tại 1 trong 3 trang web sau và so sánh giá vé. Đôi khi chênh lệch cũng khá đáng kể: Skyscanner; Kayak; Student Universe.
Nếu mọi người muốn đi một hành trình dài giữa các nước thì có thể chọn book vé xe bus giá rẻ trên GoEuro và Flexibus. Điểm trừ là khá ê mông và có nhiều người ý thức tỉ lệ thuận với khả năng tài chính. Sang hơn 1 chút thì có thể book tàu cũng trên GoEuro. Sở dĩ mình luôn đi máy bay vì các thành phố dưới đây đều có đường bay thẳng từ London và vì lý do học tập + công việc nên mình chưa bao giờ đi một cách liền tù tì. Toàn hứng lên thấy rảnh book vé đi 3 ngày rồi về.
Phòng khách sạn/hostel
Đi càng đông càng rẻ. Trong trường hợp bạn phải đi một mình thì hãy book Hostel giường tầng qua hostelworld để tiết kiệm chi phí. Đôi khi các bạn sẽ gặp được những roomate khá vui nhưng cũng nhớ khoá kỹ đồ đạc tư trang cá nhân tránh những trường hợp đáng tiếc.
Đi từ 2 mình trở lên thì cách tốt nhất là tìm phòng trên airbnb. Các bạn có thể có được giảm 25 bảng cho lần đặt phòng đầu tiên. Cho những lần tiếp theo, hãy tạo account mới tại máy tính trường vì những máy đã dùng để tạo account sẽ bị ghi nhớ và kể cả tạo email mới để book phòng cũng sẽ không được khuyến mại nữa.
Hầu hết các mạng điện thoại tại UK đều cho dùng data thoải mái tại châu Âu ( Mình dùng giffgaff). Các bạn từ Việt Nam sang có thể tham khảo và chọn cho mình tại đây.
Ăn uống:
Tất nhiên đi càng đông càng rẻ. Các bạn có thể google ra những nhà hàng local tại địa phương và đọc review để đỡ bị chặt chém. Nếu muốn tiết kiệm thì có thể bữa ăn hàng bữa ăn sandwich như mình.
Đi lại ở các thành phố ở châu Âu
Đi đông đông thì thi thoảng có thể gọi taxi cho đỡ ngại. Những thành phố có uber + taxi giá rẻ sẽ được note lại ở dưới. Bằng không khi đến sân bay các bạn hãy mua pass của thành phố đó để sử dụng phương tiện công cộng thông qua google map. Nếu không mua được pass ở sân bay, có thể mua ở bến tàu hoặc lên xe bus để mua vé ngày, sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Tiền tệ sử dụng ở châu Âu
Đổi ngoại tệ trước khi đi vì khi sang đến nơi rate rất cao. Từ UK đi có thể xài thẻ monzo free of charge khắp châu âu. Từ Việt Nam qa các bạn có thể tham khảo tại đây.
Đây chỉ là những gì cá nhân mình tổng hợp và vì đi rải rác nên đôi khi mình cũng không nhớ hết và lười viết. Ai có câu hỏi gì có thể đặt bên dưới mình sẽ cố trả lời.
Bài viết của bạn Khuất Thanh Bình – Thanh Bình tốt nghiệp ĐH Ulster ngành Quản trị kinh doanh. Nguyên uỷ viên ban chấp hành hội Sinh viên Việt Nam tại Anh. Hiện đang làm việc tại Prudential Việt Nam. Đã từng đặt chân tới 30 quốc gia trên thế giới.