Một trong những vấn đề lớn nhất khi bạn chụp phong cảnh, đó là ánh sáng. Để có được những bức ảnh đẹp với màu sắc ảo diệu, mềm mại và mượt mà, bạn phải chụp trong những điều kiện khó như lúc thời điểm lúc hoàng hôn hay bình minh. Đó là lúc giao thoa giữa trời và đất, khung cảnh sẽ có chiều sâu hơn, màu sắc của bầu trời và mặt đất tạo ra sự tương phản mạnh và rất nhiều vệt sáng cũng như những đường nét lạ xuất hiện thay vì thứ ánh sáng đơn điệu khi chúng ta chụp vào khoảng thời gian ban ngày. Sự chênh lệch về ánh sáng này mắt người có thể thu nhận được khá tốt nhưng máy ảnh thì lại không như thế, vì dải tương phản động của máy ảnh (Dynamic Range) không thể rộng như mắt người. Vì vậy nếu chúng ta chỉ sử dụng máy ảnh với phương pháp chụp thông thường thì hoặc là bầu trời bị cháy, hai là mặt đất sẽ tối thui và mất chi tiết.
Vậy để xử lý tình huống như thế này, chúng ta có hai phương pháp:
Chụp nhiều bức với mức phơi sáng khác nhau
Phương pháp này hay còn gọi là chụp HDR – High dynamic range, đó là khi trong điều kiện ánh sáng tương phản mạnh với dải đo sáng quá rộng tôi có thể chụp một bức ảnh ở nhiều mức phơi sáng khác nhau để mỗi một mức phơi sáng tôi sẽ chụp được một bức hình đủ sáng tương ứng với vùng được lựa chọn. Ví dụ khi chụp hoàng hôn hay bình minh, ta có thể chia toàn bộ khung hình làm 3 mức đo sáng khác nhau gồm vùng sáng nhất phía đừng chân trời, vùng tối nhất là khu vực dưới mặt đất và vùng sáng trung bình còn lại. Khi đó ta sẽ chụp 3 bức mới mức đo sáng như sau (đo sáng vào điểm lấy nét):
– Một bức với mức đo sáng tăng 1-2 EV để thu nhận hình ảnh vùng phía dưới mặt đất (tiền cảnh)
– Một bức với mức đo sáng giảm 1-2 EV để thu nhận hình ảnh vùng bầu trời (hậu cảnh)
– Một bức đo sáng EV=0 để thu nhận hình ảnh vùng trung bình còn lại.
Bạn có thể dễ dàng chụp kỹ thuật HDR bằng tính năng Exposure Bracketing có sẵn trong máy ảnh, sau đó hậu kỳ bằng Photoshop ghép 3 bức ảnh với 3 mức đo sáng lại với nhau.
Sử dụng filter GND – Graduated neutral density
Đây là phương pháp sử dụng kính lọc – filter GND (Graduated Neutral Density) để cân bằng các vùng sáng có trong một khung hình. Thay vì việc phải chụp 3 bức ảnh khác nhau tôi sẽ chỉ chụp một bức duy nhất sử dụng filter GND. GND là một filter hình chữ nhật gồm một vùng tối và một vùng trung tính, nó đảm bảo cho ánh sáng qua filter luôn là trung tính nhất (tức là không thay đổi tính chất của ánh sáng), và đưa dải tương phản động của khung hình về mức mà sensor máy ảnh có thể thu nhận được. Chức năng chính của GND là giúp cho tôi có thể giữ được chi tiết cho vùng trời không bị cháy và cân bằng với vùng tiền cảnh tối hơn.
Hai phương pháp này đều có thể giúp tôi thực hiện việc chụp hầu hết các thể loại ảnh phong cảnh như Seascape, Cityscape, Landscape hay Starscape trong những điều kiện khó. Mỗi phương pháp có cái hay cái dở riêng, ví dụ như sử dụng phương pháp HDR bạn sẽ phải chụp vất vả hơn với việc tạo 3 tấm hình với mức đo sáng khác nhau và hậu kỳ thêm một số bước ghép, pha trộn phức tạp hơn, nhưng nó lại là giải pháp mang tính kinh tế hơn. Sử dụng GND filter giúp bạn chỉ phải chụp một bức duy nhất, nhưng bạn sẽ phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đầu tư một bộ filter tốt gồm Holder, ring và nhiều filter khác nhau, đồng thời bạn cũng phải vất vả hơn khi tháo lắp để chụp phong cảnh.
Vậy khi nào nên sử dụng phương pháp chụp HDR và khi nào nên dùng filter GND?
Vào thời điểm hoàng hôn hay bình minh cũng phân chia làm 2 loại, đó là giờ vàng và giờ xanh (golden hour và blue hour). Giờ vàng là thời điểm mặt trời lặn gần phía sát đường chân trời, khi đó đường chân trời vẫn còn một vùng sáng tương phản với các vùng tối còn lại. Còn giờ xanh là thời điểm mặt trời đã lặn hoặc chuẩn bị lên, khi đó bầu trời chưa tối thui mà vẫn còn một chút ánh sáng, và vùng trời bao trùm một màu xanh chủ đạo.
Khi chụp vào giờ vàng, tôi chủ yếu sử dụng filter GND vì sự tiện lợi của nó. Nhưng khi chụp phong cảnh thành phố – Cityscape vào giờ xanh, tôi có thể luân phiên sử dụng 2 phương pháp. Vào giờ xanh thì độ chênh lệch ánh sáng giữa trời và đất không còn nhiều nữa và ánh sáng cũng phức tạp hơn bởi lúc này vùng tối là các toà nhà ánh sáng sẽ phức tạp hơn bởi chúng sẽ được bật đèn sáng trưng, đôi khi sử dụng GND sẽ làm tối đi bức ảnh ở vùng trời và việc đo sáng sẽ không chính xác nữa. Việc sử dụng phương pháp HDR giúp tôi chủ động hơn trong việc cân bằng giữa các vùng sáng ở các vị trí khác nhau trong khung hình.
Xem thêm bài:Méo ảnh và cách cân chỉnh méo khi chụp ảnh phong cảnh
Một trường hợp khác là chụp Starscape – hay còn gọi là chụp dải ngân hà Mikyway, tôi sẽ chụp phương pháp HDR bằng cách chụp 2 bức ảnh để pha trộn lại với nhau, một bức tôi sẽ chụp bầu trời và một bức tôi chụp tiền cảnh. Bởi khi chụp dải ngân hà, tôi cần đẩy ISO lên rất cao và nếu có một điểm hay một vùng nhỏ sáng ở tiền cảnh, bức ảnh sẽ bị tương phản mạnh và gây thừa sáng. Bức đầu tiên tôi sẽ chụp đúng sáng vùng tiền cảnh trước, sau đó sẽ chụp bầu trời với dải ngân hà ở bức thứ hai rồi ghép – pha trộn lại khi hậu kỳ trong Photoshop. Nếu bạn chụp Milkyway mà chỉ chụp bầu trời thì không cần phải dùng phương pháp này.
Trong một số trường hợp đặc biệt bạn sẽ khó có thể sử dụng phương pháp HDR thay thế cho GND, ví dụ như chụp sóng biển. Bạn muốn có những con sóng mịn màng và gây ấn tượng trong bức Seascape của mình bạn cần sử dụng filter GND. Một phần bởi vì những hiệu ứng sóng biển sẽ hầu như không thể tạo nên từ hậu kỳ Photoshop, một phần là việc bắt được những khoảnh khắc đẹp của sóng bạn phải kiên nhẫn và chờ đợi, và chụp rất nhanh. Việc sử dụng HDR chỉ nên sử dụng khi chụp phong cảnh tĩnh, còn với những điều kiện đòi hỏi cần nhanh và chính xác như chụp sóng biển thì bạn nên dùng GND để kiểm soát nhanh được ánh sáng, dành thời gian để nắm bắt được khoảnh khắc bằng việc chụp một bức duy nhất thay vì mất nhiều thời gian hơn khi chụp 3 bức khác nhau.
Trong một số trường hợp chụp phong cảnh với bố cục khó bạn cũng nên sử dụng phương pháp HDR, ví dụ như khi chụp cảnh biển mà trong cảnh có các vật thể nhô lên quá cao so với đường chân trời, khi đó nếu sử dụng filter GND soft-edge thì có thể cải thiện phần nào, nhưng sẽ làm cho các chủ thể này bị tối nặng ở phần từ được chân trời hất lên. Trong điều kiện này bạn nên sử dụng HDR và hậu kỳ bằng việc sử dụng nhiều Brush sẽ tốt hơn là dùng filter.
Thực tế thì mỗi phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, và việc sử dụng phương pháp nào cũng phụ thuộc lớn vào thói quen cũng như sở thích của mỗi người. Với tôi thì tôi thường xuyên sử dụng filter GND (bộ lọc Graduated neutral density) để giảm bớt thời gian hậu kỳ, đôi khi tôi vẫn sử dụng HDR.
Việc sử dụng filter GND khi chụp phong cảnh chi tiết như thế nào bạn có thể xem tiếp trong bài viết sau đây.
[vc_flickr flickr_id=”129334833@N07″ count=”9″ title=”Landscape gallery”]
[…] Nên sử dụng kỹ thuật HDR hay filter GND khi chụp phong cảnh […]
[…] bài viết về các phương pháp được sử dụng để chụp phong cảnh bình minh hay hoàng hôn, trong bài này tôi tiếp tục chia sẻ […]