Từ Việt Nam bay đi châu Âu có khá nhiều đường bay, và tất nhiên phổ biến nhất vẫn là lựa chọn Paris cho điểm đến đầu tiên. Chặng bay này bạn có thể lựa chọn các hãng hàng không của Trung Đông như Qatar Airways, Emirates, Etihad. Nhưng với những ai không có nhiều thời gian, bay Air France hay Vietnam Airlines vẫn là lựa chọn tối ưu nhất.
Chuyến đi châu Âu vừa rồi tôi lựa chọn Air France. Tuy vậy đường bay từ Việt Nam sang thì không phải bay trực tiếp của máy bay Air France mà là của Vietnam Airlines, vì hai hãng này thuộc cùng liên minh hàng không Sky Team và codeshare cho nhau. Bạn đặt vé của Air France, nhưng toàn bộ dịch vụ đều là do Vietnam Airlines cung cấp. Đã từng bay của một số hãng Trung Đông nên tôi có những review chi tiết trong bài dưới đây.
Chặng bay, giờ bay và Transit
Đường bay và thời gian bay là ưu thế hơn hẳn của Vietnam Airlines với các hãng hàng không khác. Hầu hết các hãng của Trung Đông, hay Đông Nam Á như Thai Airways, Singapore Airlines đều phải transit ít nhất 1 chặng, vì vậy thời gian bay dài hơn và bất tiện hơn. Một số hãng như Qatar còn phải transit 2 chặng (1 ở Bangkok và 1 ở Doha), thời gian bay hầu hết là từ 15 tiếng trở lên, có chuyến lên đến 48 tiếng.
Riêng với Vietnam Airlines, do là direct flight nên thời gian bay ngắn, trung bình từ 11.5h đến 12h bay cho tổng hành trình, không phải transit ở đâu nên rất thoải mái, thuận tiện. Giá vé trung bình do vậy cũng cao hơn so với các hãng khác của Trung Đông.
Nói về transit thì thực ra cũng có cái ưu điểm và nhược điểm, ưu điểm của việc bay thẳng thì ai cũng biết rồi, còn transit cũng có cái ưu điểm của nó. Với những ai dư dả thời gian thì transit ở Doha hay Dubai cũng là cơ hội cho bạn trải nghiệm thêm được một điểm đến trong hành trình, bằng việc tham gia một tour – city tour trong thành phố.
Thủ tục mua vé và check in
Air France mua vé và check in khá đơn giản, họ có văn phòng ở Việt Nam nên bạn có rất nhiều phương án thanh toán sau khi đặt vé online. Có thể thanh toán bằng thẻ, chuyển khoản và thanh toán trực tiếp. Thời gian cho việc giữ chỗ cũng rất dài, đủ để bạn săn vé rẻ và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Về thủ tục check in, đây là một trong những vấn đề mà rất nhiều người quan tâm, bởi những thông tin về các yêu cầu của VNA đối với hành khách. Đã có người ra đến sân bay rồi, có visa Schengen rồi mà hãng vẫn từ chối vận chuyển. Lý do là gì vậy? Theo quy định mới nhất thì khách đi Paris sẽ phải chuẩn bị một số giấy tờ bắt buộc, như vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn, bảo hiểm và tiền. Thiếu một trong số các giấy tờ đó, hãng sẽ từ chối vận chuyển. Bởi sang đến Paris, Hải quan Pháp cũng sẽ làm điều đó tương tự với bạn, và nếu bạn không trình được các giấy tờ trên, hải quan có quyền từ chối nhập cảnh.
Vì lý do đó mà khi đi tôi đã phải in sẵn các giấy tờ cần thiết, đến cả bảo hiểm cũng phải lấy bản gốc luôn (thường thì hiện nay bảo hiểm có thể mua online và dùng bản online để apply visa). Thế nhưng khi ra quầy, nhân viên Vietnam Airlines lại chẳng hỏi gì cả, đơn giản là xem hộ chiếu, in vé và mời khách ra cửa lên máy bay thôi!
Xem thêm: Review về hãng hàng không Qatar Airways bay châu Âu
Đánh giá về máy bay và chất lượng dịch vụ
Điều tôi thích nhất của Vietnam Airlines với chặng Hà Nội – Paris là giờ bay đẹp, phù hợp với người không có nhiều thời gian như tôi.
Cửa chờ lên máy bay của Vietnam Airlines cũng là một điểm cộng nữa, đây là cửa gần nhất sau khi qua cổng security – cửa số 29, chẳng phải đi bộ đâu xa.
Tip về chỗ ngồi trên máy bay: Chặng bay từ Hà Nội đi Paris, nếu có thể bạn nên nhờ nhân viên mặt đất cho bạn ngồi ở hàng ghế bên phải (hàng ghế G,H,I), vì đây là hướng ngắm được mặt trời mọc rất đẹp lúc bình minh.
Khi lên máy bay mỗi hành khách sẽ được phát sẵn cho chăn, gối, khăn lạnh, đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải, kem đánh răng. Tuy vậy thì vẫn còn thiếu nút tai chống ồn và tấm che mắt khi ngủ, tôi không biết là xin riêng hãng có không nhưng hai thứ này không có sẵn như một số hãng khác.
Hệ thống giải trí đa phương tiện (multimedia) cũng rất đa dạng, đầy đủ phim ảnh ca nhạc trò chơi để mọi người giải trí giết thời gian trên máy bay. Ngôn ngữ cũng là tiếng Việt nên càng thân thiện và có lợi thế hơn hẳn so với các hãng hàng không nước ngoài (xem phim có phụ đề Việt này!). Mỗi ghế đều có trang bị cổng sạc usb, còn ổ cắm điện thì tôi không biết là có không nhưng tìm không thấy ^^.
Máy bay chặng đi Paris thì VNA sử dụng A350-900, được quảng cáo là máy bay hiện đại nhất bây giờ. Nhưng theo đánh giá cảm nhận riêng thì máy bay này thiết kế đường đi trên máy bay không được thoải mái như kỳ vọng, ghế ngồi cũng hơi chật.
Cũng như nhiều loại máy bay thân rộng bay đường dài khác, chiếc A350-900 chia làm 3 khoang chính. Bao gồm khoang Business (khoang đầu và khách thông thường lên máy bay không đi qua khoang này), khoang ưu tiên Priority và khoang thường – Economy. Cả hai khoang phía sau đều có 3 hàng ghế chính, điểm khác biệt là khoang ưu tiên rộng rãi hơn với thiết kế chỉ 8 ghế/hàng, còn khoang Economy thiết kế 9 ghế/hàng, đi lại khá chật chội.
Các bữa ăn trên chuyến bay Hà Nội – Paris
Do bay vào buổi đêm nên hãng sẽ có 2 bữa ăn chính cho mỗi người, một bữa ăn khuya sau khi cất cánh và một bữa sáng trước khi hạ cánh. Đồ ăn thì cũng ổn, ở mức trung bình, không quá xuất sắc và cũng không tệ.
Bữa ăn khuya có 2 lựa chọn là (Cá + Khoai tây) hoặc Cơm thịt heo. Bữa sáng có Cháo hoặc (Trứng + Thịt nguội). Chất và lượng đồ ăn phải nói là thấp hơn một chút so với các hãng hàng không 5 sao như Qatar Airways hay Emirates. Nếu đói bạn có thể gọi thêm mỳ gói để ăn, nhưng thực sự là tôi thấy các bữa ăn không đã, ít món, không đa dạng cả về chất và lượng.
Menu các bữa ăn:
Các bữa ăn trên chuyến bay:
Nhân viên phục vụ của Vietnam Airlines tôi đánh giá ở mức tròn vai. Có nghĩa là nếu bạn ít sử dụng các dịch vụ cao cấp bạn sẽ thấy ổn, còn nếu đã từng trải nghiệm các dịch vụ thực sự 5 sao, bạn sẽ thấy thiếu thiếu một chút gì đó.
Với một dịch vụ 5 sao, nhân viên sẽ cực kỳ tinh tế, thái độ và kỹ năng phục vụ khách hàng cũng rất chuyên nghiệp, đảm bảo khách hàng thấy mình được “chiều chuộng” và “sướng như vua”! Bạn tưởng tượng sẽ có một em tiếp viên chân dài xinh đẹp đến bên cạnh bạn, cúi rất thấp người và nói với một giọng nhẹ nhàng ngọt ngào, hướng dẫn bạn về các món ăn đủ để bạn hiểu mà không cảm thấy bị làm phiền. Đó là cả một quá trình được đào tạo bài bản.
Thực ra thì tôi cũng không đòi hỏi Vietnam Airlines một chất lượng dịch vụ phải tầm 5 sao (mặc dù giá vé cao hơn kha khá so với các hãng 5 sao khác), nhưng nhiều khi mình thấy cách giao tiếp của tiếp viên vẫn còn mang nặng tính “dân dã”, giống như gặp nhau ngoài đường phố, chứ không phải đang ở trên một chuyến bay sang trọng. Ví dụ khi tôi đi vệ sinh, không để ý cửa bên trong có người nên cố mở, một giọng nam trong khoang tiếp viên vọng ra khá cao giọng khiến tôi giật mình: “Có người bên trong e ơi!”. Hoảng cả hồn! Chỉ đến khi tôi quay sang nhìn thì bạn tiếp viên này mới dịu giọng xuống. Hy vọng VNA sẽ cải thiện được vấn đề này của họ sớm.
Đánh giá chung về ưu nhược điểm
Dù sao bay Vietnam Airlines có những lợi thế riêng mà các hãng hàng không khác không có. Nếu bạn là người không có nhiều thời gian, muốn bay thẳng không phải transit, VNA là một lựa chọn tốt, các dịch vụ đều khá ổn. Ngoài ra bay hãng trong nước thì sẽ không phải lo lắng đối với những người hạn chế về ngoại ngữ, các vấn đề phát sinh có thể giải quyết nhanh chóng hơn vì cùng là người Việt Nam.
Còn nếu bạn muốn trải nghiệm dịch vụ bay cao cấp, bạn có thể cân nhắc những hãng hàng không khác đẳng cấp hơn, chất lượng dịch vụ ổn hơn (nhưng sẽ phải bay dài hơn vì transit). Một nhược điểm nữa là giá của Vietnam Airlines cũng luôn bằng hoặc cao hơn các hãng 5 sao khác.