Hành trình Du lịch Hong Kong xuất ngoại “bụi” 5 ngày 4 đêm cho đại gia đình. Bài này chia sẻ về kinh nghiệm du lịch Hong Kong, siêu dài nên note lại cho bản thân là chính. Phù hợp cho ai cần và có ý định đi cả “ban bệ” gia đình như tôi có thể chọn lọc tham khảo một vài thông tin cần thiết. Phần 1 này sẽ chia sẻ về quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị và chi phí. Phần 2 sẽ là lịch trình chi tiết du lịch Hong Kong.
Thành phần và chi phí du lịch Hong Kong
Chuyến đi 5 ngày 4 đêm cho 8 người (cao tuổi nhất: 63 tuổi, nhỏ tuổi nhất: 8 tuổi).
Tính ra tổng chi phí cho chuyến đi du lịch Hong Kong 8 người nhà tôi hết 84,4 triệu (vé may bay, ăn ở, đi lại, vé tham quan tất tật chỉ trừ tiền mua quà hoặc mua sắm riêng) thì 68,2 triệu là tôi thanh toán online qua thẻ Visa, Master trước, còn lại 16,2 triệu là thanh toán bằng tiền mặt (ăn uống, nạp thẻ Octopus và các chi phí phát sinh khác khi ở Hong Kong). Nên tiền mang đi của tôi cực gọn nhẹ, không lo những rủi ro về chuyện giữ tiền. Tỷ giá HKD qua thẻ tuy hơi cao nhưng bù lại bằng việc mua online và trả trước giá rẻ hơn nhiều so với việc sang đến nơi mới mua trực tiếp nên mua online trước vẫn lợi hơn nhé.
Tiền Hong Kong: Ở Hong Kong sử dụng đồng đô la Hong Kong (ký hiệu: HKD hay $HK). 1HKD = khoảng 3.000VND, tỷ giá hôm tôi đổi là 2.940VND. Nên đổi thẳng sang HKD từ Việt Nam vì tỉ giá USD đổi sang HKD ở Hong Kong bị thiệt hơn. Tiền Hong Kong cả loại xu và giấy đều rất bắt mắt và nhiều mẫu mã, cùng 1 mệnh giá có thể có nhiều mẫu khác nhau do khác ngân hàng phát hành.
Chốt sổ: NGƯỜI LỚN: 10,8 triệu/người , TRẺ EM: 9,8 triệu/người
Thông tin về xin visa Hong Kong – update 2023
Xin E-Visa online qua Sở di chú Hong Kong – update 2023
Tại thời điểm 2023 sau khi hết dịch Covid thì Hong Kong đã mở cửa đón khách du lịch trở lại. Nhằm lôi kéo khách du lịch đến Hong Kong thì thủ tục xin visa Hong Kong đã dễ hơn rất nhiều. Bạn chỉ cần nộp hồ sơ bản mềm qua website của Sở di chú Hong Kong là được. Bạn vào Website của Sở di chú ở đây, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bản mềm và gửi cho họ theo hướng dẫn trên web là được.
Do đang mở cửa du lịch nên việc xét duyệt visa được đánh giá là rất dễ dàng, không yêu cầu hay đòi hỏi gì phức tạp. Bạn nộp đầy đủ hồ sơ, thông tin, 2 ngày sau sẽ có thư xác nhận là nhận được hồ sơ. Sau đó tầm 5-7 ngày là họ báo đã có visa và nộp tiền. Phí tầm 700k/người và chỉ phải nộp khi được chấp nhận visa. Nếu ai hồ sơ chưa đầy đủ họ sẽ gửi mail báo bổ sung là được.
Kinh nghiệm xin visa qua dịch vụ
Vụ kinh nghiệm xin visa du lịch Hong Kong này kể chi li thì rất dài dòng (tôi sẽ để lại cuối bài note 1 vài thông tin về việc apply visa tự túc), tóm lại sau bao nhiêu cố gắng tôi đành giơ tay đầu hàng với việc xin visa HK tự túc, và cuối cùng vẫn phải qua dịch vụ. Hồ sơ nộp bằng cách gửi bản scan các giấy tờ theo yêu cầu qua mail cho bên dịch vụ trước 1 tháng và nhận kết quả chỉ từ 1-3 ngày trước ngày bay nên thật sự rất hồi hộp và khá bất tiện cho việc book phòng, mua vé tham quan và các dịch vụ cần thanh toán trước khác.
Như của tôi là sát với lễ 1/5 nên nhận visa đúng 12 tiếng trước giờ bay, bên dịch vụ apply hồ sơ của nhà tôi trực tiếp bên HK nên đúng 3h30 chiều hôm trước visa mới “xách tay” từ HK về đến HN, 6h tối tôi đi lấy về thì 6h sáng hôm sau nhà tôi lại “xách tay” nó về lại HK, chẳng khác gì ôm bom hẹn giờ.
Vụ này hết: 90usd/người (= 2.070.000đ). Bên dịch vụ tính tỷ giá 1usd =23.000đ nên nếu bạn mua usd rồi nộp bằng usd sẽ lợi hơn xíu về tỷ giá nhưng cũng không đáng kể.
Visa du lịch Hong Kong gửi về dưới dạng đề can chỉ cần bóc ra và dán vào 1 trang trống để dán visa bất kỳ trong hộ chiếu.
Cách điền tờ khai Xuất – nhập cảnh:
Tờ khai khi nhập cảnh Hong Kong gồm có 3 liên với 13 trường thông tin cần khai (chụp lên vậy chứ ở ngoài nó chỉ to cỡ 1 bàn tay ). Tờ khai có thể lấy dễ dàng tại rất nhiều bốt thông tin tại sân bay Chek Lap Kok, nằm thành 1 dãy dọc khu vực gần cửa kiểm tra hải quan. Bạn sẽ khai như sau:
- Họ (VD: NGUYEN, TRAN, LE…)
- Giới tính: MALE với Nam hoặc FEMALE với Nữ
- Tên đệm và tên (VD: HONG NGOC….)
- Số Passport: điền số hộ chiếu của bạn vào
- Nơi, ngày cấp hộ chiếu (VD: HANOI – 12/2/2012)
- Quốc gia: VIETNAM
- Ngày/tháng/năm sinh: điền n/t/n của bạn vào.
- Nơi sinh: điền nơi sinh của bạn vào.
- Địa chỉ ở Hong Kong: chỗ này phải chú ý, nếu bạn làm visa dịch vụ thì họ sẽ cho bạn tên của 1 KS nơi họ đã đăng ký để làm visa cho bạn, bạn sẽ điền chính xác tên khách sạn đó vào trường thông tin này nếu không đừng hỏi tại sao HQ không cho bạn nhập cảnh.
- Địa chỉ nhà: điền địa chỉ nhà của bạn tại Việt Nam vào.
- Số hiệu chuyến bay/Hãng: điền số hiệu chuyến bay – Hãng hàng không đến của bạn theo thông tin trên vé mb của bạn (VD: BL678 – Jestar, VN699- Vietnam Airline….)
- Bay đến từ đâu: điền tên thành phố mà máy bay của bạn xuất phát (VD: HANOI, DA NANG…)
- Chữ ký: ký tên của bạn vào, ko cần viết rõ họ tên.
Khai xong xuôi, kẹp tờ khai này cùng hộ chiếu mang qua cửa hải quan làm thủ tục xong họ sẽ giữ lại liên 1 và đưa lại cho bạn liên 2, 3 cùng 1 tờ Visitor-permitted to remain nhỏ xíu nghĩa là bạn đã được phép vào Hong Kong, nên giữ tất cả những tờ đó lại kẹp cùng hộ chiếu, lúc xuất cảnh sẽ nộp lại cho hải quan.
Thông tin bên lề về việc tự xin visa Hong Kong ơn
Phần này rất dài nên tôi đã tóm lược lại mấy ý chính như sau:
- Hãy làm visa dịch vụ khi bạn đi tự túc mà không có Thư mời hay người bảo lãnh (sponsor) ở HK.
- Đối với những bạn xin visa HK tự túc mà có Thư mời hoặc người thân là công dân đáng tin cậy của Hong Kong (quốc tịch HK, ko có vấn đề gì với pháp luật) và đang sinh sống tại Hong Kong.
- Không Apply visa qua ĐSQ Trung Quốc tại Hà Nội: họ không nhận hồ sơ với trường hợp đi tự túc kể cả là bạn có Thư mời và hồ sơ bạn đầy đủ đến đâu.
- Apply visa trực tiếp qua Immigration Deparment Hong Kong. Vào trang web của Sở Di trú Hong Kong ở đây để chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ theo chính xác yêu cầu của họ. Xong xuôi, có 2 cách nộp hồ sơ như sau:
+ Cách 1: Gửi chuyển phát hồ sơ sang cho người bảo lãnh (sponsor) bên Hong Kong để người đó nộp, visa đạt sponsor sẽ là người nhận và gửi visa về cho tôi.
+ Cách 2: Nộp bằng đường bưu điện, với điều kiện phải nộp lệ phí 190HKD/người dưới hình thức Hối phiếu ngân hàng (Bank draft) có liên kết với chính phủ HK (gửi kèm cùng hồ sơ). Theo như hiện nay tôi biết chỉ có Vietcombank là có loại hối phiếu này. Nếu bạn định nộp cách này thì nên đến Trụ sở Vietcombank để hỏi về hối phiếu trước. Các ngân hàng khác như: HSBC, Citibank, SHB, VIB, Sacombank, Vietinbank, BIDV đều ko có hối phiếu nhé, tôi đã trực tiếp hỏi rồi.
Phương tiện di chuyển và đi lại khi đi Du lịch Hong Kong
Vé máy bay đến Hong Kong
Tôi mua vé online qua website trước 3 tháng, mua tháng 2 (đúng đợt Tết Âm lịch) đi tháng 5, vé rẻ của Jestar 2,5tr/khứ hồi/người lớn (đã bao gồm 80kg hành lý ký gửi 2 chiều) và 1,9tr/khứ hồi/trẻ em. Thời gian bay từ Hà Nội đến Hong Kong hết 1 giờ 30 phút, Hong Kong nhanh hơn Việt Nam mình 1 tiếng, ở tôi 6 giờ sáng thì HK sẽ là 7 giờ sáng.
Sân bay Hong Kong là Chek Lap Kok với hệ thống đường băng nổi trên biển rất đẹp và hiện đại. Có 2 Terminal 1 và 2 nằm cách khá xa nhau, nối với nhau bằng hệ thống tàu điện, với vài trăm cửa ra máy bay nên bạn cần xác định máy bay của tôi dừng ở Terminal nào để lúc về không đến nhầm Terminal, rất dễ bị trễ chuyến. Hãng Jestar nhà tôi bay dừng ở Terminal 2, điều này ko ghi trên vé nên bạn cần hỏi nhân viên hãng lúc check in.
Kinh nghiệm đi lại ở Hong Kong bằng phương tiện công cộng
Thẻ Octopus (Bát Đạt Thông):
Bạn có thể mua thẻ Octopus khi đi du lịch Hong Kong. Thẻ đa năng dùng cho tất cả các phương tiện công cộng: taxi, MTR, Bus, dùng thanh toán trong các cửa hàng tiện ích 7eleven, CircleK, các máy bán tự động, nhà hàng hoặc mua vé vào cổng tại các điểm tham quan. Thẻ này tôi mua online trước qua KLOOK giá 98HKD trong đó có sẵn 50HKD để sử dụng. Hết tiền có thể nạp thêm tại tất cả các máy tự động đặt tại các ga MTR hoặc nạp trực tiếp tại quầy thông tin. Thẻ tôi mua online qua KLOOK, đến sân bay qua quầy A13 theo như hướng dẫn trong vé điện tử để đổi lấy thẻ. Bạn sẽ được giảm 10HKD trong lần đầu tiên khi thanh toán qua app trên điên thoại. Link mua : Thẻ Octopus của Klook.
Tàu điện ngầm (MTR)
Các trạm MTR ở Hong Kong rất rộng lớn và gồm nhiều tầng, về cơ bản cách sử dụng cũng tương tự như tàu điện ở Thái, Sing nhưng hệ thống có phần phức tạp hơn và khi sử dụng cần chú ý hơn, nhất là về hướng đi trên cùng 1 line. Cùng 1 line: ở những trạm không giao với line khác thì vẫn chuyển line như bình thường nhưng ở những điểm có giao với line khác thì 2 hướng trên line đó sẽ khác tầng nhau chứ không đơn giản chỉ chuyển line như tàu điện ở Sing, bạn sẽ phải chuyển tầng để đi hướng ngược lại của line đó cho nên hãy thật chú ý sơ đồ chỉ dẫn và hướng đi mỗi khi muốn chuyển line tại các điểm giao nhau giữa các line.
Trong các trạm MTR có đầy đủ sơ đồ, biển báo , chỉ dẫn tên line, hướng đi, điểm xuất phát – đến, cửa ra/vào rất rõ ràng.
Nói chung cần xem kỹ các sơ đồ hướng dẫn trong trạm để lên tàu cho đúng hướng. Hệ thống cửa ra/ vào (Exit) các trạm cũng dày đặc và đều có biển báo, cần xác định điểm cần đến thuộc Exit nào trước khi đi cho gần nhất và tiết kiệm thời gian nhất. Nếu đã nắm rõ được các nguyên tắc cơ bản này, kết hợp giữa MTR và bus bạn có thể đi từng mét trên đất Hong Kong cực kỳ tiện lợi và dễ dàng, hệ thống giao thông công cộng của họ thực sự rất ưu việt.
Về máy bán vé tự động, thông thường có 2 máy đặt cạnh nhau, máy nhỏ bên trái là để kiểm tra số dư của thẻ Octopus. Máy lớn hơn bên phải là máy nạp tiền tự động, tối thiểu 50HKD/lần, tối đa 100HKD/lần. Ngoài ra, mỗi khi quét thẻ ra vào các trạm thì trên màn hình tại máy quét cũng hiện ra số dư còn lại của thẻ, bạn có thể dựa vào đó để biết lúc nào cần nạp thêm tiền. Nếu thẻ của bạn không còn đủ tiền thì máy cũng không quét cho bạn vào cửa.
Bạn có thể sử dụng ứng dụng Hong Kong (HKG) như phần giới thiệu các ứng dụng của tôi ở phía dưới để chọn tuyến MTR sao cho nhanh nhất, chỉ cần chạm vào 2 điểm: tại chỗ tôi xuất phát và điểm cần đến là ứng dụng sẽ cho biết nên đi line nào, cần chuyển line ở đâu, hết thời gian bao lâu, nhanh hơn là tôi tự tính và còn tránh tình trạng đi đường vòng.
Nếu không muốn nạp tiền cho thẻ Octopus tại các máy nạp tiền thì bạn có thể mang thẻ qua các quầy Customer tại các tạm MTR đưa nhân viên quầy nạp cho.
Di chuyển bằng xe bus:
Nhà tôi chỉ sử dụng bus sân bay chiều đi và đến chỗ ở cùng 1 lần đi bus từ trạm MTR Hang Hau đến khu công nghiệp Tseung Kwan O để đến phim trường TVB vì khu ngoại ô thì ko có MTR. Bus ở HK chủ yếu là loại 2 tầng, có khoang để hành lý 2 bên ngay cạnh cửa vào dưới tầng 1 (có phân khu riêng từng loại hành lý kích thước nhỏ và lớn – cần chú ý), có màn hình camera trên tầng 2 của xe để có thể theo dõi hành lý của tôi ở tầng 1. Ở các bến đều có cột ghi rõ số hiệu xe, các điểm đến, giờ hoạt động. Lên xe trả tiền vé bằng cách quẹt thẻ Octopus ở máy quét gần ghế lái tài xế, trên máy quét sẽ hiển thị số tiền phải trả cho chặng đó, đồng giá theo tuyến dù dừng ở trạm nào trên tuyến đó. Các tuyến bus airport từ sân bay về đến các điểm trong thành phố có giá 40HKD/chiều.
Mua và sử dụng Sim điện thoại ở Hong Kong
SIM 4G/3G for 5DAYS/ 8DAYS: bạn có thể chọn gói cho thích hợp với chuyến đi: 4G cho 5 ngày sử dụng, 3G cho 8 ngày sử dụng . Nhà tôi đi 5 ngày nên tôi chọn 4G/5Days, tốc độ mạng cực tốt. Sim này tôi cũng mua online trước qua KLOOK, đến sân bay qua quầy A13 đưa vé điện tử đổi lấy sim cũng như cách mua thẻ Octopus. Đoàn tôi có 8 người nhưng tôi chỉ cần mua 3 sim để sử dụng 4G tìm đường, tìm quán ăn…những lúc đi trên đường không có wifi và chia nhóm 2 – 3 người /1 sim để phòng hờ nếu lạc nhau thì còn liên lạc (may là không lạc lần nào!). Link mua: SIM 4G/3G SIM CARD.
Thẻ Octopus và Sim 4 G này bạn đều có thể mua rất dễ dàng tại sân bay Chek Lap Kok, nhưng đoàn nhà tôi đông, tôi không muốn phải mang quá nhiều tiền mặt nên tất cả những gì có thể mua online trước là tôi mua, lúc đến nơi chỉ cần mang vé điện tử họ gửi qua mail đổi lấy thẻ, vé…là xong
Bảo hiểm du lịch Hong Kong
Rất nên mua khi đi du lịch nước ngoài, nhất là trong đoàn lại có cả người già và trẻ em. Các bạn vào trang Gobear so sánh, cân nhắc quyền lợi và chọn hãng BH thích hợp. tôi thì chọn Liberty cho gia đình, nên check online hoặc xin tư vấn chọn gói cho phù hợp và kinh tế, như nhà tôi có 8 người trong đó có 2 em bé nên tôi chia thành 1 gói gia đình 4 người (2 trẻ em sẽ được free theo bố mẹ) còn 4 người lớn còn lại thì mua gói nhóm như vậy sẽ lợi hơn cả. Mua và thanh toán online, họ sẽ gửi mail Hợp đồng có chữ ký và dấu điện tử của bên họ vào mail cho tôi, in và đem theo trong chuyến đi (nhớ note lại số hotline của hãng BH để xin trợ giúp khi cần).
Một lưu ý nữa là bạn kiểm tra Hợp đồng online xem có bị lỗi không có dấu không nhé, nếu không thấy con dấu điện tử thì phải gọi cho hãng yêu cầu gửi lại bản có dấu, như trường hợp của tôi mua 2 hợp đồng thì 1 hợp đồng bị lỗi như vậy và tôi đã phải liên hệ hãng yêu cầu gửi lại bản có đầy đủ dấu và chữ ký. Vụ này hết trung bình: 180k/người.
Homestay/khách sạn ở Hong Kong: Hãy sống như người Hong Kong
Thuê căn hộ Airbnb cho cả gia đình
Hong Kong là nơi có giá nhà đất đắt thuộc Top thế giới nên khách sạn, nhà nghỉ cũng thuộc hàng siêu nhỏ (tấc đất tấc vàng mà) nhưng cũng không thể tưởng tượng nó lại nhỏ đến vậy. Dạo qua Booking hay Agoda thì khách sạn, nhà nghỉ bình dân hay thậm chí 3 sao diện tích phòng lớn lắm cũng chỉ tầm 13-15m2 còn trung bình thì chỉ 6-7m2, kiểu như “vừa bước chân vào nhà đã bước chân lên giường” mà đa phần lại không có cửa sổ, WC thì nhỏ xíu chỉ vừa cái xí bệt.
Vì vậy khi du lịch Hong Kong tôi chuyển hướng sang Airbnb để thuê căn hộ riêng, đi gia đình thì thuê kiểu này rất thích hợp, và thật may mắn gần ngày đi tôi đã kiếm được 1 căn rất đẹp, vừa đủ cho 8 người, mới tính tươm, sạch sẽ, reviews cực tốt, nằm ở vị trí rất thuận tiện, cách ga MTR chỉ 30 giây đi bộ, gần trạm bus đến/đi sân bay, gần trạm Tram, ở trung tâm khu Wanchai. Căn hộ đầy đủ tiện nghi: 2 phòng ngủ, 2 sofa dạng lắp ghép thành giường đôi, phòng khách, bàn ăn, nhà bếp, tủ lạnh, lò vi sóng, máy giặt, ti vi cho đến những thứ nhỏ như bàn là, máy sấy tóc, bình siêu tốc, dầu gội, sữa tắm…đều đầy đủ cả. Chủ nhà là Richard Jay, một người rất yêu HK, lịch thiệp nhưng cũng khá kỹ tính theo kiểu người HK.
Căn hộ nằm trong khu chung cư phổ biến của dân HK, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác giống như một người dân HK thực thụ, tự làm chủ căn hộ của tôi trong không gian gần gũi với cầu thang, ngõ hẻm, những cánh cửa… mà bạn chỉ thấy trong những bộ phim TVB. Căn hộ mới đón khách từ tháng 3 và mới chỉ có 8 reviews (tính đến lúc tôi book phòng) nhưng đều rất tích cực, đạt điểm tuyệt đối cho mọi tiêu chí, chỉ 2 ngày sau khi tôi thuê quay vào xem thì thấy nó được gắn danh hiệu BEST DEAL-BEST HOUSE IN 2017. Tuy nhiên nó cũng có 1 vài hạn chế:
- Thứ nhất: không có thang máy, vì căn hộ nằm trong khu dân cư theo kiểu cũ với cầu thang hẹp, bạn sẽ phải leo bộ 4 tầng cầu thang để lên, điều này có ghi rõ trong thông tin book phòng, bạn ok thì mới đặt. Với nhà tôi thì có thể chấp nhận được vì sáng sớm là ra khỏi nhà và chỉ về 1 lần duy nhất vào buổi tối, cả ngày trời đi bộ chục km thì leo vài tầng cầu thang cũng không phải vấn đề gì quá lớn.
- Thứ 2: chỉ có 1 phòng tắm nên sẽ phải xếp hàng, với đoàn đông như nhà tôi thì hơi mất thời gian chút tuy nhiên thực tế thì cũng sắp xếp ổn thỏa không có vấn đề gì.
- Thứ 3: sống chung với người dân địa phương bạn cần theo phong cách của họ: trật tự và kỷ luật, không làm ồn trong căn hộ và khu vực cầu thang, không tụ tập làm cản trở lối đi lại nếu không rất có thể hàng xóm của bạn sẽ gọi điện cho cảnh sát về việc bạn gây phiền nhiễu và bạn sẽ phải trả 1 số tiền phạt rất lớn. Điều này chủ nhà sẽ nhắc nhở bạn rất kỹ trước khi bạn nhận phòng.
Khi thuê nhà/căn hộ/khách sạn/ nhà nghỉ du lịch Hong Kong các bạn nên chịu khó bỏ thời gian đọc reviews trên trang của những khách đã từng thuê trước đó, nó khá là chính xác và hữu ích. Một lưu ý nữa là các căn hộ mới tuy có hạn chế là ít reviews nhưng ưu điểm là do mới nên rất sạch sẽ và chất lượng, giá cả phải chăng so với những căn cũ rất nhiều review nhưng hay bị vấn đề về tình trạng xuống cấp.
Căn hộ của tôi tự check in theo kiểu lockbox (không cần gặp chủ nhà mà vẫn tự lấy được chìa khóa vào nhà), nghĩa là trước khi tôi đến khoảng 3-5 ngày chủ nhà gửi cho tôi 1 mail hướng dẫn tìm đường đến, tự lấy chìa khóa check in giống kiểu mấy game tìm đồ vật, bao gồm các thông tin: cách đi từ sân bay về căn hộ, tìm đường, để ý các dấu hiệu, nhập mã khóa của khu chung cư, tìm phòng, mở lớp cửa thứ nhất, nhập pass hộp lockbox, lấy chìa khóa và mở cánh cửa thứ 2. Lúc check out lại lặp ngược lại quy trình như khi check in. Nói chung là rất thú vị và ly kỳ =))) Ngoài ra, trên Airbnb bạn có thể liên hệ với chủ nhà bằng hộp chat trên trang khi cần sự trợ giúp bất cứ lúc nào.
Nếu đây là lần đầu bạn đăng ký tài khoản tại Airbnb hãy vào qua link Airbnb của tôi: www.airbnb.com/c/thaihat để đăng ký , bạn sẽ nhận được 20usd giảm giá trong lần book phòng đầu tiên (với đặt phòng có giá trị tối thiểu 75usd) nhé. Và nếu bạn tiếp tục giới thiệu đến bạn bè để họ đặt phòng qua đây thành công thì cả bạn và tôi cũng sẽ nhận được tiền cộng vào tài khoản, và tiền này có thể tích lũy dần để sử dụng cho các lần đặt phòng tiếp theo trên Airbnb, nó giống như kiểu đa cấp và tích lũy tiền trong tài khoản để chi tiêu vậy đó. tôi rất thích trang này, bạn có thể tìm được tất cả các loại căn hộ/nhà từ bình dân đến sang trọng, độc đáo nhất hoặc xinh đẹp nhất như trong cổ tích ở đây, hơn nữa cùng với Couchsurfing.com đây cũng là cách tiếp cận văn hóa rất hay khi bạn trực tiếp được trao đổi, giao lưu với chính chủ nhà là người dân địa phương, thậm chí may mắn còn có thể được họ làm hướng dẫn viên free.
Vụ này hết 627usd/8 người/5 ngày (bao gồm: tiền phòng, thuế phí thành phố, phí dọn phòng). Tỷ giá tính qua thẻ Visa hay Master card đều cao vì mất thêm phí nhưng hầu hết các căn hộ kiểu này ở HK bạn đều phải thanh toán trước chứ không thể trả sau bằng tiền mặt và chính sách hủy phòng cũng rất nghiêm ngặt tuy nhiên nếu không thuê nhanh bạn có thể hết chỗ vì mỗi căn chỉ có 1 mà nhu cầu thì nhiều.
Thuê khách sạn cao cấp ở Hồng Kông
Du lịch Hong Kong ngoài việc chọn Airbnb thì với những ai có tài chính dư dả có thể chọn các khách sạn luxury ở Hồng Kông. Bởi thành phố này phát triển không kém gì các thành phố sầm uất khác trên thế giới như Singapore, Tokyo. Vì vậy rất nhiều tập đoàn khách sạn lớn toạ lạc ở đây, có thể kể ra như The Ritz Carlton Hong Kong, St. Regis Hong Kong, Mandarin Oriental Hong Kong, Four Season Hong Kong,…
Những khách sạn này có view tuyệt đẹp, với một bên là vịnh Victoria nổi bật đại diện cho sự hoành tráng, xa hoa của thành phố Hong Kong. Một bên là view thành phố nhộn nhịp, hay cả view ra núi Thái Bình cũng ngất ngây luôn.
Vé tham quan các điểm vui chơi ở Hong Kong
Như mọi lần, khi đi du lịch Hong Kong tôi mua online trước vừa rẻ hơn nhiều mà khi đến nơi không lo xếp hàng mua vé. Có nhiều kênh bán vé tham quan HK : website chính thức, KKDays, Klook, …Rẻ nhất là KKDays nhưng trang này có hạn chế về ngôn ngữ vì sử dụng chủ yếu là tiếng Trung, một số tour còn không có tiếng Anh, vì vậy tôi chọn mua vé của Klook giá đắt hơn KKDays 1 chút không đáng kể nhưng sử dụng hoàn toàn tiếng Anh, còn thông tin cụ thể từng địa điểm thì tôi vào website chính thức của từng nơi để lấy thêm dữ liệu (chương trình cụ thể, so sánh giá niêm yết, hướng dẫn cách đi lại, clip mô tả..)
Ngoài ra có một loại thẻ rất hay là Inventure Card – 1 thẻ nhưng có thể truy cập vào 16 điểm tham quan khác nhau ở cả HK và Macau, có 2 loại 3days và 5days, rất tiện và cực rẻ với những bạn có sức khỏe, muốn đi nhiều nơi và đi cả HK + Macau (kể cả chỉ đi mỗi HK thì nó vẫn rất rẻ) vì tiết kiệm hơn 50% so với việc mua từng loại vé riêng lẻ. Hạn chế là chỉ cung cấp những tiện ích cơ bản như vé vào cửa chứ không bao gồm được tiện ích khác như combo hay fast track…
Link mua (rẻ hơn mua ở website chính thức): THẺ IVETURE CARD Hong Kong & MACAU CỦA KLOOK.
Vé ăn buffett trên du thuyền Bauhinia, nghe nhạc sống, xem show ánh sáng trên cảng Victoria về đêm cho 8 người. Mang vé điện tử gửi trong mail đến bến tàu đổi lấy vé này để sử dụng:
Nhà tôi du lịch Hong Kong lần này đi người già và trẻ em nên chỉ chọn lọc một vài điểm phù hợp tất cả mọi người và tránh đi lại quá nhiều, vui chơi quá sức, nên tôi chỉ mua vé 2 nơi tham quan là: Harbour Cruise – Bauhinia: A Symphony of Lights & Dinner Buffet và vé Peak Tram and Terrace 428 fast track. Hai tour này đều vừa sức và là combo cung cấp những tiện ích mà Iventure card không có.
Những điểm tham quan khác theo dự định như: Công viên HK, Nan Lian Garden & Chi Lin Nunnery, trường đua Shatin, phim trường TVB và rất nhiều công viên khác đều free vé, chỉ cần xác định điểm đến và cứ thế vào cổng thôi.
Các điểm tham quan, công viên miễn phí vé vào cửa tham khảo ở link ở đây.
Chính phủ HK xây dựng được 1 hệ thống các website rất đầy đủ, chi tiết và khoa học dành cho du khách, từ việc xin visa, website chung và riêng từng điểm tham quan, chi tiết hướng dẫn đi lại rất thuận tiện. Trang này tôi cũng mò mẫm được khá nhiều thứ hay ho nhưng không thể hết được vì lượng thông tin quá lớn và tuyệt đối đầy đủ. Link tại đây: http://www.lcsd.gov.hk/, trang web này cũng có app dành cho điện thoại nên bạn có thể tải về để sử dụng nếu cần.
Xem đua ngựa tại trường đua Shatin, mùa đua ngựa diễn ra thừ T9 đến cuối T6, có 2 nơi để xem đua ngựa ở HK: Happy Valley (mở cửa từ 17h – nửa đêm T4 hàng tuần) và Shatin (mở cửa từ 13h T7-CN hàng tuần), nhà tôi đi vào cuối tuần nên chỉ đi xem được ở Shatin (vụ này bị bể do thay bằng việc đi chợ đêm Temple street cuối cùng thấy tiếc vì chợ đêm chẳng có gì hay, không thích bằng chợ đêm Thái Lan, biết thế tôi đi xem đua ngựa hơn.
Các ứng dụng, tiện ích du lịch Hồng Kông trên điện thoại
Lần này đi tôi tìm đường dựa hoàn toàn vào 2 app chính là Google map chỉ đường và ứng dụng MTR trong app HONGKONG (HKG), có thêm 1 xíu ứng dụng của hệ thống bus (không dùng bản đồ giấy luôn vì nhiều việc quá quên lấy ở sân bay ) nên các ứng dụng cũng gọn nhẹ (như hình).
- Wallet: lưu các loại booking
- Airbnb: thông tin đặt phòng, trao đổi với chủ nhà
- HKG: Sơ đồ MTR, tổng quát về Hong Kong (các điểm đến, nhà hàng, thông tin chỉ dẫn từng điểm tham quan..)
- CitybusNWFB: Sơ đồ hệ thống các tuyến xe bus, giá từng chặng, thời gian hoạt động, các điểm dừng…
- HK Tramways: Thông tin hệ thống tàu điện 2 tầng chạy trong thành phố
- Google map: ứng dụng chỉ đường
- Gmail (check các vé điện tử)
Một số lưu ý khác du lịch Hồng Kông
Ổ điện
Ở HK dùng ổ cắm 3 chấu (giống bên Sing) nên cần mang theo ổ chuyển đổi du lịch (mua dễ dàng ở các hàng bán đồ điện).
Nếu bạn ở căn hộ như nhà tôi hoặc các khách sạn từ 3 sao trở lên thì không cần mang kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm còn ở dorm, nhà nghỉ.. thì tùy vào từng nơi, nên xem list tiện nghi phòng để còn chuẩn bị đồ mang theo cho phù hợp. Đặc biệt căn hộ nhà tôi ở còn đầy đủ cả nước giặt, máy giặt, máy sấy tóc, bàn là nên cũng đỡ được khá nhiều hành lý phải mang đi.
Đồ ăn ở Hong Kong
Theo như tôi thấy thì du lịch Hong Kong khá dễ ăn, tương đối hợp khẩu vị nên nhà tôi chỉ mang một ít mỳ để tự nấu ăn sáng tại nhà vì căn hộ có đầy đủ bếp núc. Các bữa trưa, tối khác thì nhà tôi gặp đâu ăn đấy trên đường đi, cũng không quá khó để tìm quán ăn. Bạn đừng quá ham và kỳ vọng về việc liệt kê danh sách các nhà hàng phải đến ăn trong chuyến đi – sẽ không đủ thời gian đâu, nếu tiện đường thì hãy ghé còn nếu không tôi khuyên bạn cứ vào các quán ăn địa phương hay nhà hàng dành cho dân công sở, đồ ăn rất dễ ăn mà giá cả cũng phải chăng (chỉ khoảng từ 40-55HKD/suất).
Nếu bạn đã xác định đi chơi thì không nên mất quá nhiều thời gian vào việc check in đủ các quán ăn, tìm đường mất thời gian nhiều hơn bạn tưởng, ăn nhanh gọn, vừa tiền là đủ sức để đi chơi rồi. Nhà tôi cũng chỉ tiện đường qua được quán mỳ Mak’s Noodle nổi tiếng ở 77 Wellington khi đúng tối hôm đó đang dạo quanh khu Central. Còn lại là 1 lần ăn ở quán gần nhà hôm vừa đến, 1 lần ăn ở nhà hàng dành cho dân công sở ở khu Tsim Sha Tsui, 1 lần ở TTTM ngay trung tâm khu Central, 1 lần ở Med Cafe T1-TTTM đối diện Nan Lian Garden. Một lần khác ở khu Chợ đêm Temple street; đều là đúng bữa tiện đường ghé vào cả, không mất thời gian tìm quán nhưng ăn vẫn rất ngon, hợp khẩu vị, giá vừa phải mà vẫn đảm bảo được thưởng thức các món địa phương của chính người dân HK ăn hàng ngày.
Hầu hết các nhà hàng đều có Menu với giá niêm yết để ngay ngoài cửa ra vào, bạn xem qua món ăn và lựa giá thấy vừa túi tiền thì bước vào thôi. tôi có gặp vài nhà hàng cơm Việt Nam ở đây, cơm cá kho/ thịt kho/canh cua …giá khoảng 72-100HKD/món.
Các lưu ý khác du lịch Hong Kong
Du lịch Hong Kong nên mang theo Ô dù, áo mưa 1 lần (vì Hong Kong là đảo nên hay mưa nắng bất chợt), theo dõi thời tiết qua điện thoại hoặc ứng dụng Forecast.io để chuẩn bị quần áo cho phù hợp, giầy dép phải thật thoải mái vì sẽ đi bộ rất nhiều (nhà tôi người già và trẻ em thôi mà cũng đi bộ trung bình 10km/ngày rồi).
Nước có bán tại các cửa hàng tiện ích và các máy bán tự động trên đường, giá khoảng 6HKD/chai 500ml. Tuy nhiên tốt hơn hết là bạn mang chai nước đi và đến các điểm tham quan lấy nước từ các vòi uống công cộng và mang theo, đến bữa ăn thì uống trà sữa ở nhà hàng (giá khoảng 5-7HKD/ly tùy loại). Các vòi nước uống công cộng này có rất nhiều ở các điểm tham quan, công viên, khu vui chơi thậm chí cả quảng trường, tôi up hình vài mẫu vòi nước đó ở đây, bạn thấy các vòi kiểu này (có dòng ghi chú phía trên: For drinking only) là cứ uống free thoải mái hoặc cho vào chai mang theo uống tiếp sức dọc đường nhé.
Hong Kong có chính sách hạn chế sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường nên khi mua hàng họ sẽ hỏi bạn có cần túi không, nếu bạn lấy túi sẽ phải trả thêm tiền túi vì vậy nên mang một ít túi ở nhà theo để đựng đồ khi đi mua sắm. Xả rác, khạc nhổ nơi công cộng cũng bị phạt rất nặng từ 1.500HKD-5.000HKD. Rác ở đây được phân loại theo từng thùng, nếu bạn chưa nắm rõ phải phân theo loại nào thì nên vứt vào thùng màu cam trên đường phố dành cho các loại rác tổng hợp.
Người dân HK có đặc điểm đi nhanh, nói nhanh, làm nhanh nên khi đi trên đường bạn cũng cần đi nhanh, nếu không đi nhanh được thì cần đi gọn sang một bên nếu không muốn bị người đằng sau đụng phải và cũng không gây phiền cho người khác. Tại các trạm MTR và khi lên thang cuốn cũng cần đứng gọn về bên phải để dành chỗ cho những người bước đi trên thang cuốn. Người dân HK khá nguyên tắc và nóng tính, tác phong lại vội vã nên khi mua hàng hay vào nhà hàng cũng yêu cầu bạn phải nhanh nếu không họ sẽ tỏ ra không hài lòng với bạn, khi ở đây một vài ngày bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng đôi chút bởi tốc độ của họ giống như bị kéo theo vào guồng máy vậy.
Tiếng Anh của người Hong Kong: theo như những người tôi đã gặp thì những người trẻ làm công sở hay những người làm về dịch vụ (nhà hàng, khách sạn…) nói tiếng Anh rất tốt còn người già, trung niên và người dân lao động thì gần như không biết tiếng Anh.
Di chùa ở HK có thể mặc trang phục rất thoải mái, không có yêu cầu khắt khe như ở Thái hay Malaysia…Riêng Chi Lin Nunnery khu bên trong có tượng phật thì yêu cầu bạn không được làm ồn và chụp ảnh.
Mời các bạn đón đọc phần 2 về lịch trình, hướng dẫn đi lại các địa điểm tham quan ở Hong Kong nhé: Kinh nghiệm du lịch Hongkong – Lịch trình và hướng dẫn đường đi các điểm tham quan
Bài và ảnh: Thai Ha Tran
Chào bạn, tôi muôn du lịch Hông kong tự túc vào tháng 3/18, tôi đã đọc những chia sẽ của bạn về kinh nghiệm du lich rất bổ ích, tuy nhiên tiếng anh của tôi hạn chế nên tôi muốn tự làm visa, book máy bay và đặt phòng ngủ tại HK, bạn có thể chỉ cho tôi biết công ty nào tổ chức tour tham quan tại HK có HDV tiếng việt, tôi cũng có tìm thấy công ty bạn tour du lịch tại HK (hdv nói tiêng Anh). Nếu bạn biết xin vui lòng hướng dẫn, xin cảm ơn rất nhiều
Thớt ơi, thớt làm visa qua cty nào vậy? Mình có hỏi 1 số cty thì đc báo giá là 385usd/người, quá đắt 🙁 Thanks thớt!
Trên mạng nhiều bên uy tín làm mà bạn, gần 400$ thì cắt cổ quá giá đó chắc chẳng ai làm đâu ^^.
Mình làm qua dịch vụ visa Hà Mã của chị Nguyễn Khánh Chi ở Hà Nội (lên fb search là ra tên chị ý) chỉ có 90usd/người thôi bạn
bạn ơi, cho mình chi tiết tên app Hongkong HKG được không ạ? mình load cả trên android và apple đều không thấy app này? thanks bạn.
Xin Chào An Le,
Mình có tham khảo bài viết của bạn về du lich Hong Kong. Mình có xem tới đoạn xuất nhập cảnh tại hải quan thì thấy bạn ghi vậy “Địa chỉ ở Hongkong: chỗ này phải chú ý, nếu bạn làm visa dịch vụ thì họ sẽ cho bạn tên của 1 KS nơi họ đã đăng ký để làm visa cho bạn, bạn sẽ điền chính xác tên khách sạn đó vào trường thông tin này nếu không đừng hỏi tại sao HQ không cho bạn nhập cảnh.”
Mình có liên hệ với bên làm visa dịch vụ của mình, thì họ trả lời là xin được visa là ở chỗ nào không còn quan trọng nữa, cứ ghi địa chỉ khách sạn mà mình book – không sao hết.
Nếu như theo An Le thì khi điền tờ khai nhập cảnh tại hãi quan nếu không khớp thì có nguy cơ bị không cho nhập cảnh và buộc quay về. Không biết có cách giải quyết gì cho chuyện này không ???
Chào bạn Hùng k biết bạn đã đi HK về chưa ? Hiện mình cũng sắp đi và thắc mắc giống bạn là hotel ở tại HK có cần đúng như lúc xin visa không? Vì mình cũng hỏi dịch vụ đã xin visa cho mình và họ nói k sao hết. Điền hotel nào cũng được
Mình muốn hỏi vé xem đua ngựa ở trường đua Satin vào cuối tuần bạn chỉ mình cách mua nhé. Cảm ơn bạn!