Một trong những thể loại yêu thích của tôi là chụp phong cảnh thành phố, trèo lên những toà nhà cao tầng, chờ đợi khoảnh khắc hoàng hôn hay bình minh và bấm máy. Bắt đầu từ việc leo những toà nhà ở Hà Nội (nơi thử thách khả năng chụp Cityscape của các nhiếp ảnh gia bởi thời tiết khó mê nổi ở thành phố này cũng như khói bụi, các toà nhà thì xấu xí không có quy hoạch đồng đều), tôi đã cố gắng đi rất nhiều nơi trên thế giới ở châu Âu và châu Á như Paris, Rome, Kuala Lumpur, Singapore,.. tìm hiểu những góc máy đẹp nhất để tạo nên những bức ảnh Cityscape ưng ý.
Sau đây là những kinh nghiệm của tôi về chụp thể loại phong cảnh Cityscape:
Quá trình chuẩn bị
Thiết bị
Để chụp phong cảnh Cityscape bạn nhất thiết phải có một ống kính góc rộng (ultrawide) với tiêu cự <20mm (trên máy Fulframe), ngoài ra nếu có thêm một ống kính tele thì càng tốt dùng để lấy một số góc cận cảnh. Ngoài ra body thì có máy Fulframe có chế độ liveview (sử dụng để lấy nét manual) là tốt nhất, một bộ filter GND, một chân máy vững chắc và các đồ dùng vệ sinh máy. Nên nhớ máy không nên để trong phòng điều hoà hoặc nếu có thì khi ra khỏi phòng cần chờ một lúc để lens hết bị ngưng tụ hơi nước, vệ sinh qua trước khi chụp.
Bộ thiết bị dành cho phong cảnh của tôi bao gồm:
Body: Canon 5d mark III
Lens: Ultrawide – Canon EF 16-35mm f2.8L và Tele: Canon EF135mm f2.0L (Có EF70-200mm thì vẫn tốt hơn!)
Tripod: Mefoto (loại này hàng rẻ tiền nhưng được cái gọn nhẹ, chân máy và ballhead khá vững, tuy vậy nếu có điều kiện nhất định tôi phải đổi em tripod này bởi không bền trong điều kiện bị nước biển vào).
Filter: GND 0.6 grad soft và 0.75 grad hard, ND little stopper giảm 6 stop, tất cả đều của Lee Filters.
Địa điểm
Trước khi đến một địa điểm còn mới lạ với bạn, tôi thường tìm hiểu trước ở nhà các góc mà các nhiếp ảnh gia đã chụp ở đây, download một số ảnh phong cảnh về địa điểm này để nghiên cứu. Sau đó tôi đến địa điểm từ trước một hôm (hoặc nếu không có điều kiện thì đến trước khoảng 2-3 tiếng) để khảo sát địa hình, xác định trước vị trí, góc chụp để lúc chụp được tiện lợi và nhanh chóng.
Việc khảo sát bao gồm chọn tối thiểu 2 góc chụp có view đẹp nhất, xác định hướng mặt trời lặn và mọc một cách chính xác. Đến giờ chuẩn bị chụp, tôi đến trước 1 tiếng đồng hồ để giữ chỗ và ổn định vị trí, tránh phải chen chúc với khách du lịch (nhất là với những view đẹp ở địa điểm du lịch nổi tiếng có rất nhiều du khách ùn ùn đổ về). Gần đến thời điểm mặt trời lên hoặc xuống, tôi sẵn sàng súng ống lắp trên tripod, filter gắn sẵn lên lens chuẩn bị chiến đấu.
Xem dự báo thời tiết
Đây là bước không thể thiếu khi đi chụp ảnh, rất khó có thể chụp được những bức ảnh phong cảnh đẹp trong trời mưa tầm tã hay đơn giản là khi thời tiết xấu. Tuy vậy thì nếu hoàng hôn xuống ngay sau cơn mưa sẽ là một cơ hội vô vô cùng lớn cho các nhiếp ảnh gia, bởi lúc đó bão tố tạo ra bầu trời không có đầy đủ màu sắc và kết cấu, cung cấp một cảm giác ảm đạm, giận dữ, hoảng sợ và thậm chí đẹp nhẹ nhàng. Bầu trời trong lúc bão tố mang đầy cảm xúc và rất có thể bạn sẽ chụp được những bức ảnh để đời nếu biết chớp lấy cơ hội này.
Kinh nghiệm trong quá trình chụp
Bố cục tạo ra sự khác biệt
Tôi luôn quan niệm rằng, một bức ảnh phong cảnh gọi là “nhìn được” thì nó cần đảm bảo những yếu tố về độ nét, tương phản và màu sắc ổn. Nhưng để bức ảnh đó được gọi là “đẹp xuất sắc” thì nó phải có một bố cục khiến người xem mà người xem trầm trồ. Bố cục mà bạn chọn tuỳ thuộc vào vị trí đứng của bạn:
Nếu vị trí đứng của bạn là ngang hoặc cao hơn các toà nhà thì đó sẽ là điều khá thuận lợi vì bạn có nhiều lựa chọn về góc chụp. Khi leo lên đỉnh của một toà nhà cao tầng bạn sẽ có tầm nhìn rộng cả 4 hướng, góc nhìn sẽ không bị hạn chế bởi những toà nhà. Việc đầu tiên là phải xác định hướng mặt trời lên hoặc xuống rồi căn cứ vào đó bạn định được hướng và góc chụp cho mình. Bạn không nhất thiết phải đặt mặt trời vào trong khung hình của mình mà có thể chọn những cảnh mà có những vệt sáng rõ nét ở phía đường chân trời là được rồi. Tiếp theo kết hợp hướng mặt trời với hướng mà có nhiều toà nhà cao tầng đẹp nhất ở khu vực đó, lúc này một bố cục ổn là bạn hãy tìm cho mình một điểm nhấn, ví dụ như một toà nhà cao tầng nổi bật nhất hoặc nổi tiếng nhất ở khu đó đặt điểm 1/3 của khung hình. Hoặc đơn giản nhất bạn có thể dùng ống super ultrawide lấy toàn bộ hình ảnh thành phố vào bức ảnh, tuy vậy thì cách này bạn chỉ nên sử dụng 1-2 bức thôi, chụp nhiều dễ bị nhàm. Quan điểm riêng tôi là hầu như không bao giờ tôi chụp hiệu ứng kiểu cong cong hoặc dùng lens fisheye, cố gắng nhét mọi thứ vào trong một khuôn hình, hãy tìm cho mình những góc vừa đủ mà nổi bật, tạo cho bức ảnh có một nội dung nhất định. Ngoài ra bạn có thể nhấn mạnh chủ thể ở khu vực tập trung giao thông của thành phố, dùng hiệu ứng light-trail (vệt sáng của phương tiện giao thông) để làm nổi bật cả khu vực đó lên so với toàn khung hình.
Ngoài ra những đường dẫn, những điểm giao thoa và hội tụ là một phần không thể thiếu trong thành phần cảnh quan thành phố. Chúng tạo cho bức ảnh thêm góc nhìn, độ sâu, và giúp người xem cảm nhận như đứng từ một điểm của cuộc hành trình đến điểm khác của khung hình. Những đường dẫn này thường được làm nổi bật khi bạn biết sử dụng những hiệu hứng light-trail, tức là những vệt sáng tạo ra bởi các phương tiện giao thông khi ta phơi sáng lâu.
Nếu vị trí đứng của bạn là ở dưới mặt đất và chụp hướng thẳng ra các toà nhà hoặc chụp từ dưới lên, hãy suy nghĩ về những kiểu bố cục độc đáo. Ví dụ về việc chụp từ dưới lên, đừng cố gắng chỉ lấy riêng một toà nhà nào đó giống như chụp kiến trúc nhìn rất nhàm chán, mà hãy chụp một phần của toà nhà, có thể là phần chân hoặc phần đỉnh. Phần đỉnh thì bạn có thể kết hợp với hiệu ứng mây trôi nhanh bằng cách phơi sáng lâu, trong điều kiện trời nhiều mây và gió mạnh. Còn nếu bạn chụp riêng một vùng có nhiều toà nhà thì dễ nhất là chụp Reflection, tức là chọn một con sông hoặc hồ nước, hay đơn giản là một vũng nước đọng lại sau cơn mưa, để chụp khu vực toà nhà đó được soi bóng dưới mặt nước, sẽ rất thú vị. Ngoài ra một trường hợp khác là bạn không nhất thiết phải chụp các toà nhà, mà bạn có thể chụp một con đường với hiệu ứng light-trail của các phương tiện giao thông, màu sắc lên sẽ rất ảo diệu vào buổi tối.
Thời điểm chụp: Giờ vàng (golden hour) hay giờ xanh (blue hour)
Chọn thời khắc chụp cũng khá quan trọng, bởi ở các thành phố thời điểm giờ vàng và giờ xanh rất khác nhau. Vào giờ vàng bạn cố gắng bắt những khoảnh khắc hiếm để cho bức ảnh có sự độc đáo như lúc mặt trời ẩn trong những đám mây chiếu mạnh xuống tạo ra những đường ray lạ mắt. Hoặc khi mặt trời bắt đầu lấp ló sau các toà nhà, nhiệt độ màu môi trường lúc này sẽ rất cao và máy ảnh sẽ thu nhận được những dải màu nóng và đỏ rực mà không thời khắc nào trong ngày có được.
Tuy vậy thì phải chờ đến giờ xanh, những toà nhà cao tầng ánh đèn điện mới được thắp lên và toàn thành phố là một mảng màu lung linh huyền ảo. Khoảng thời gian Blue Hour thường chỉ diễn ra trong vòng nửa giờ đồng hồ trở lại và và cố gắng tận dụng tối đa nó, xác định trước vị trí và hướng chụp và đến lúc chụp chỉ việc nhất nút mà thôi.
Một bức tôi chụp vào giờ vàng ở Paris:
Thao tác chụp với thiết bị
Cân nhắc phương pháp sử dụng
Nếu bạn không có điều kiện hoặc không có thói quen dùng filter khi chụp hoàng hôn hay bình minh thì bạn cần cân nhắc sử dụng phương pháp chụp HDR (High Dynamic Range). Tôi thường xuyên sử dụng filter GND cho các bức ảnh Cityscape của mình, xác định được góc chụp, đặt máy lên chân (tripod) và gắn filter vào lens. Với những bức cần chụp với hiệu ứng phơi sáng lâu trên 30’s như làm mịn mặt hồ, nước hoặc mây trôi thì tôi sử dụng dây bấm mềm và cài chế độ chụp B (Buld), còn thông thường tôi hay chụp hẹn giờ trên máy tránh việc tiếp xúc trực tiếp vào máy ảnh khi chụp để không bị rung.
Xem thêm bài: Nên sử dụng kỹ thuật HDR hay filter GND khi chụp phong cảnh
Sử dụng chế độ Aperture Priority
Việc thiết lập chế độ chụp thì tôi luôn sử dụng chế độ AP dù cho là chụp chân dung hay phong cảnh. Với một chiếc máy Fulframe đời mới bây giờ bạn có thể dễ dàng đo sáng chuẩn khi để chế độ chụp AP, bạn chỉ cần set ISO, Khẩu độ và cân bằng sáng EV, còn máy sẽ tự động đo tốc độ chụp. Tôi thường set thông số cho một bức ảnh Cityscape thông thường như sau:
- WB auto, đo sáng toàn khung hình.
- ISO 100 – Giảm tối đa sự xuất hiện của noise
- Khẩu độ f8-11, đây là khẩu độ tối ưu đảm bảo độ nét đạt yêu cầu và tránh ảnh bị hiện tượng nhiễu xạ (xuất hiện khi bạn để khẩu độ quá thấp).
- EV: phụ thuộc vào điểm đo sáng và kinh nghiệm, ví dụ khi đo sáng vào điểm sáng hơn so với độ sáng trung bình của khung hình thì tôi thường giảm EV một chút tuỳ vào mức chênh lệch mức độ sáng, và ngược lại cho trường hợp tăng EV.
Lấy nét bằng tay qua Live View
Việc lấy nét qua View finder quả thực là một cực hình mà cũng rất khó để đảm bảo độ nét cho ảnh, các tốt nhất và đơn giản nhất là chuyển qua chế độ Live View để lấy nét. Việc lựa chọn điểm nét ở đâu là tối ưu bạn có thể xem bài: Điểm lấy nét tối ưu trong chụp ảnh phong cảnh, còn trong điều kiện thực tế nếu không có điểm nào gần với vị trí đứng của bạn nằm trong vùng lấy nét tối ưu, bạn có thể sử dụng Live View để phóng to khung hình, di chuyển điểm focus đến khu vực mà bạn cho là tương phản nhất so với phần còn lại để thực hiện lấy nét. Thực hiện lấy nét bằng tay luôn đảm bảo tối ưu nhất cho độ nét của bức ảnh, nhưng nếu bạn lười thì sử dụng chế độ auto-focus cũng không giảm chất lượng nhiều lắm bởi vì các lens đời mới hiện nay làm rất tốt việc này.
Việc đo sáng chuẩn hay không bạn nên chụp thử rồi xem lại, kết hợp với việc xem lại Histogram để tối ưu hoá việc đo sáng. Nên lưu ý rằng khi chụp phơi sáng ban đêm thường độ chênh sáng giữa các vùng trong cùng một khung hình có thể sẽ rất lớn, dẫn đến việc ảnh bị cháy hoặc mất chi tiết, đặc biệt khu vực có các vệt sáng ở các con đường, rất dễ cháy. Để có các vệt đèn đường dài và mịn tôi hay test với tốc độ chụp ban đầu là 15s sau đó thay đổi tuỳ vào từng điều kiện, nếu kiểm tra histogram thấy biểu đồ nghiêng quá nhiều về bên phải tôi sẽ cân nhắc tăng đo sáng cho bức ảnh (tăng thời gian chụp) và ngược lại.
Ngoài những kinh nghiệm cơ bản trên thì nói chung quan trọng nhất là bạn cần linh động với từng điều kiện chụp. Ví dụ một số trường hợp đặc biệt như vị trí đứng của bạn là ở trong một căn phòng ở một toà nhà cao tầng, bạn có thể chụp Cityscape qua kính cửa sổ, sẽ có rất nhiều góc độ và màu sắc thú vị đấy. Đầu tiên bạn cần lau sạch vùng cửa kính định chụp, đặt lens sát với kính, dùng một chiếc khăn tối màu che phần phía sau của máy ảnh để tránh bóng phản chiếu qua kính và flare, thế là chụp thôi. Chụp Cityscape không thể không quan ngại đến distortion – độ méo của bức ảnh. Để xử lý vấn đề này tôi thường cố gắng lấy những góc thẳng nhất khi chụp, và chỉnh sửa hoàn thiện qua các phần mềm hậu kỳ. Ngoài ra để sản phẩm cuối cùng có độ sâu màu, chuyển vùng uyển chuyển và mịn, tôi thường hay chụp một bức vào giờ vàng và một bức vào giờ xanh và kết hợp lại. Kỹ thuật này tôi sẽ chia sẻ chi tiết vào những bài hậu kỳ nâng cao sau.
Một bức tôi chụp qua cửa kính ở khách sạn Regalia – Kuala Lumpur:
Trên đây là các chia sẻ về kinh nghiệm chụp phong cảnh Cityscape của tôi, ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài Workflow – Quy trình các bước hậu kỳ ảnh phong cảnh để có các hướng hậu kỳ cho sản phẩm của mình sau khi đi chụp xong.